Góp ý dự thảo Văn kiện: Đổi mới, sáng tạo là việc cần nghĩ liên tục, làm liên tục, không thể dừng
Đó là những nội dung cơ bản nhất được chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập đến khi góp ý cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (gọi tắt là Chiến lược 2021-2030) - một trong những văn kiện quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kinh tế tư nhân cần là động lực quan trọng
Dự thảo Chiến lược mới đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao; 2045 trở thành nước thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng khu vực kinh tế tư nhân - vốn đã và đang trải qua quá trình phát triển nhọc nhằn - cần phải thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới. Theo đó, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía nhà nước và phía doanh nghiệp. Cả nhà nước và doanh nghiệp đều phải liên tục cải cách, đổi mới và sáng tạo.
Việc quan trọng nhất của phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Để làm như vậy đòi hỏi nhà nước phải tập trung thực hiện bằng được hai việc lớn: tăng cường các thể chế thị trường, và tự do hóa các thị trường nhân tố sản xuất. Đây là tiền đề và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới.
Nhấn mạnh tăng cường các thể chế thị trường, theo bà Chi Lan, một thị trường hoạt động tốt đòi hỏi phải có các luật chơi được xác định rõ ràng, minh bạch, tiên liệu được và được thi hành nghiêm túc. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành những doanh nghiệp tự tin, năng động, sáng tạo, biết liên kết với nhau, tuân thủ pháp luật và kinh doanh một cách có trách nhiệm để làm giàu cho mình và đóng góp cho xã hội.
"Việc quan trọng nhất của phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh". - chuyên gia Phạm Chi Lan. |
Nhà nước đã khẳng định sự cam kết tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế nhưng có những quy định trong vô số các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa tương thích với cam kết đó hoặc không đủ minh bạch.
Trong những vấn đề cạnh tranh bình đẳng, việc tiếp cận các nguồn lực là vấn đề luôn nóng bỏng nhất đối với doanh nghiệp. Hệ thống phân bổ nguồn lực của nhà nước cần được cải cách mạnh mẽ, theo hướng các nguồn lực được dành cho những doanh nghiệp, dự án nào có thể đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn nhất cho đất nước, cho đông đảo người dân.
Nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình phải được áp dụng trong mọi quyết định về phân bổ hay tái phân bổ nguồn lực. Trong điều kiện nước ta còn thiếu những nguồn lực lớn, rất cần thiết cho phát triển một nền kinh tế hiện đại trong những năm tới, điều này càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.
Các chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho doanh nghiệp cũng cần được bố trí lại, chủ yếu để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nâng cao kỹ năng, hoặc thông tin, tư vấn giúp các doanh nghiệp chuyển đổi, cùng nhau tạo lập hoặc tham gia các liên kết, các chuỗi cung ứng mới với giá trị gia tăng cao hơn.
Không thể dừng nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi
Nói về tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất, vị chuyên gia cao cấp này cho rằng: “Đây là mảng vô cùng quan trọng trong nền tảng của kinh tế thị trường, bởi nó tác động rất lớn đến khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết của doanh nghiệp, đến tính hiệu quả của việc quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, đến sự công bằng và bền vững trong phát triển của quốc gia”.
Vị chuyên gia này nhận thấy ở nước ta, tự do hóa thị trường các nhân tố đến chậm hơn nhiều so với tự do hóa thị trường hàng hóa và dịch vụ. Hệ thống pháp luật, chính sách cho thị trường các nhân tố cũng chưa đầy đủ, minh bạch, khó tiên liệu, nhiều quy định còn cứng nhắc, bất hợp lý.
Trong những thị trường mà Nhà nước còn kiểm soát nhiều như đất đai, tài chính, khoa học công nghệ, bóng dáng cơ chế xin - cho vẫn tồn tại, các rào cản thủ tục còn nhiều, và hiện tượng đối xử bất bình đẳng, thân hữu, tham nhũng vẫn còn. Hoạt động của các thị trường này cần được cải thiện về nhiều mặt theo hướng cởi mở, tự do hóa hơn nữa để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, đảm bảo sự công bằng về khả năng tiếp cận và lợi ích của đông đảo doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân hơn.
Thị trường đất đai còn kém phát triển. Thị trường mua bán quyền sử dụng đất chưa hình thành đầy đủ khiến cho mô hình kinh doanh dựa trên quan hệ thân hữu thịnh hành, gây nhiều xung đột lợi ích trong xã hội, đồng thời làm giảm hiệu quả kinh doanh, gây méo mó cho quá trình đô thị hóa và khó khăn cho tái cơ cấu nông nghiệp.
Thị trường khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu tăng lên nhanh chóng về đổi mới, nâng cấp công nghệ trong đông đảo doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường này cần rộng mở để đón nhận những luồng công nghệ, sáng tạo mới từ các nhà đầu tư, các nhà công nghệ nước ngoài, đặc biệt của người Việt ở nước ngoài, có thể đưa vào nước ta, góp phần đưa Việt Nam vào giai đoạn mới của phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Trong đó, một hệ sinh thái khởi nghiệp cần thực sự hình thành, thông thoáng và hỗ trợ tích cực cho bao người trẻ Việt Nam đang khát khao và sẵn sàng thử sức trong cuộc đua phát triển sáng tạo trên thế giới.
Đối với bản thân khu vực kinh tế tư nhân, vị chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng để có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, việc quyết định nhất là khu vực kinh tế tư nhân phải nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của mình bởi bối cảnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới đã thay đổi, khiến ngay cả những việc chúng ta đã làm thành công trước đây cũng không thể đảm bảo cho sự phát triển, thậm chí là tồn tại, trong tương lai nữa.
“Thay vì xin Nhà nước cứu trợ, doanh nghiệp nên vận động Nhà nước tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ và quản trị để phát triển", bà Phạm Chi Lan. |
Để tồn tại trong thế giới cạnh tranh gay gắt ngày nay, phải không ngừng học hỏi và sáng tạo, ứng dụng công nghệ, cải thiện quản trị, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Thách thức lớn nhất đối với đông đảo doanh nghiệp có lẽ là khó khăn trong việc lựa chọn hướng đi mới trong bối cảnh thị trường đang thay đổi quá nhiều và tương lai rất bất định. Tiếp đó là lựa chọn sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh, hệ thống quản trị phù hợp với hướng đi và năng lực của mình. Tìm kiếm các nguồn lực cần thiết như tài chính, nhân lực…cũng không hề dễ.
“Thay vì xin Nhà nước cứu trợ, doanh nghiệp nên vận động Nhà nước tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ và quản trị để phát triển", bà Phạm Chi Lan đưa ra lời khuyên. “Cũng cần nhớ rằng, đổi mới, sáng tạo là việc cần nghĩ liên tục, làm liên tục, nâng cấp liên tục, không thể dừng nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đây là yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp trong thời đại hiện nay, và cũng là cách đóng góp thiết thực của doanh nghiệp cho việc hiện đại hóa nền kinh tế”.