Gửi tình yêu với các nhạc cụ dân tộc
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang sinh năm 1983, tại Hải Dương. Anh lớn lên trong gia đình có ông nội là người chơi đàn nhị trong một gánh hát thuở xưa ở vùng Hải Dương. Ngô Hồng Quang nhớ lại: “Ông nội tôi chơi đàn nhị và khá có tiếng ở quê tôi. Ông đã dạy đàn cho con nuôi của ông và con nuôi của ông dạy lại cho tôi. Bác là người khiếm thị”. Theo anh, quê hương Hải Dương là cái nôi và có sự ảnh hưởng rất lớn tới con đường và sự lựa chọn âm nhạc của anh. “Lúc bé tôi thường nghe hát dân ca trên đài, ông nội chơi đàn cho tôi nghe những làn điệu chèo cổ, bố tôi cũng hát dân ca cho tôi nghe, đây là những yếu tố tạo nên tôi và tôi phải rất biết ơn những người và quê hương mình đã tạo ra cho mình một sự nghiệp như ngày nay. Tôi rất tự hào mình được sinh ra tại vùng đất có giàu truyền thống về âm nhạc cổ truyền và văn hóa dân gian”, Ngô Hồng Quang chia sẻ.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang trình diễn trên hồ Na Hang (Tuyên Quang) |
Năm 13 tuổi, anh rời quê hương thi vào Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cả phần thi đàn nhị, phần thi năng khiếu, Quang đều đạt điểm tuyệt đối, giành được học bổng toàn phần. Năm 2013, sau 2 năm học tại Hà Lan, Ngô Hồng Quang trở về Việt Nam giới thiệu album “Song hành”, sản phẩm hợp tác với nghệ sĩ Hà Lan Onno Krijn, ngay năm đó album đã được đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến. Năm 2017 anh kết hợp cùng nhạc sĩ Nguyên Lê thực hiện album “Hanoi Duo”. Album được đánh giá là táo bạo, mới mẻ khi kết hợp giữa jazz và những giai điệu âm nhạc dân gian vùng Tây Bắc…
Đến nay, cái tên Ngô Hồng Quang được nhắc tới là một nghệ sĩ độc lập. Anh vừa là nhạc công, nhạc sĩ và ca sĩ. Dấu ấn âm nhạc của anh để lại trên những sản phẩm âm nhạc có chất lượng, có cá tính, vừa khai thác, tôn vinh âm nhạc dân tộc, vừa làm mới những chất liệu truyền thống để âm nhạc Việt Nam bước ra thế giới.
Anh đã đi qua gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đi nhiều, giúp anh nhận ra một điều: Việt Nam là vùng đất rất đa dạng về văn hóa, con người và địa lý. “Tôi luôn nói với các bạn tôi rằng mặc dù đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng thực sự tôi vẫn thấy Việt Nam là đẹp nhất, cuốn hút về văn hóa nhất. Lý do cũng rất dễ hiểu thôi, ngoài phong cảnh hữu tình, con người siêng năng, chịu khó, tôi thực sự rất yêu và có duyên những gì thuộc về tính bản địa, vùng miền của quê hương mình. Mỗi lần tới được vùng đất mới, tiếp cận với những nét văn hóa mới là tôi vô cùng xúc động vì vẻ đẹp tiềm ẩn, dân dã và rất Việt Nam vẫn còn tồn tại cùng thời gian, mặc dù ở một chừng mực nào đó, đã có sự che lấp của sự phát triển”, Ngô Hồng Quang quả quyết.
Từ tình yêu ấy, anh nhận thấy, âm nhạc của miền nào cũng hay, của dân tộc nào cũng hấp dẫn. Tất cả những chất liệu âm nhạc bản địa mỗi lần anh được tiếp cận đều như một liều thuốc bổ tiếp thêm sinh lực cho con đường sáng tạo. Ngô Hồng Quang kể: Có những chuyến đi của tôi chỉ đơn thuần là đi chơi chứ không có mục đích gì khác. Tôi đến và nói chuyện với những người dân tộc thiểu số mà tôi gặp, tôi vui vì tôi được gặp họ, tôi được tiếp thêm năng lượng từ họ bởi những câu chuyện, cách suy nghĩ và lối sống của họ. Đối với tôi như vậy là đã mãn nguyện cho một hành trình điền dã của mình. Có lẽ đây là cái rất khác biệt nếu tôi so sánh những chuyến đi ở Việt Nam với những hành trình khác ở châu Âu, nơi mà phần lớn tôi đi biểu diễn và giới thiệu văn hóa âm nhạc Việt Nam.
Theo Ngô Hồng Quang, âm nhạc dân tộc Việt Nam rất dồi dào. Nếu đi những vùng xa, miền núi hoặc vào Tây Nguyên, ta vẫn có thể bắt gặp bà con ngồi hát giao duyên bên bờ ruộng, chơi đàn Tính hát Then trong các câu lạc bộ của bản làng, nhiều nhóm người Nùng còn gặp nhau mỗi năm 1, 2 lần chỉ để hát và ôn lại ký ức. “Đây là những thứ tôi nhìn thấy và rất quan tâm trong những chuyến điền dã gần đây. Nếu tôi có những kế hoạch đi tới những vùng đất sâu xa hơn nữa, tôi tin là tôi sẽ còn gặp nhiều điều thú vị khác nữa mà bà con dân tộc thiểu số mang lại”, anh chia sẻ.
Để sử dụng và khai thác âm nhạc dân tộc hiệu quả trong thị trường âm nhạc thế giới, theo anh, cần phải chắc lọc những thứ tinh tuý nhất của âm nhạc Việt và đưa nó vào một không gian mới, không gian trong đó có những yếu tố toàn cầu ví dụ như nhịp điệu, hòa âm, âm sắc, nhạc cụ và sự trộn lẫn cởi mở có chắt lọc của các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. “Tôi cho rằng, để làm được việc này, cần phải thực sự tìm hiểu và tôn trọng giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc và ứng xử nó trong môi trường âm nhạc đa chiều một cách đúng nghĩa”, nhạc sĩ 8X này chia sẻ.
Quan sát hành trình âm nhạc của Ngô Hồng Quang có thể nhận thấy trong thời gian qua anh đã có nhiều nỗ lực cống hiến. Những chuyến trở về Việt Nam, rồi đi Tây Bắc, Đông Bắc, vào Tây Nguyên… để tìm kiếm các chất liệu âm nhạc mới. Anh cũng kết hợp với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Nguyên Lê, hay mới đây kết hợp cùng nhóm Đàn Đó trong dự án âm nhạc “Tình đàn”. Tất cả những cố gắng ấy, nhằm đem tới cho công chúng yêu âm nhạc, bất kể ngôn ngữ hay màu da nào, đều cảm nhận được vẻ đẹp âm nhạc Việt Nam, cảnh sắc và con người Việt Nam. Nhưng chính Ngô Hồng Quang cũng thừa nhận, anh đang đi trên một con đường khá đơn độc và nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là anh đang làm cái mà nhiều người chưa hiểu anh đang làm cái gì. “Tôi hy vọng một ngày nào đó không xa nhiều khán giả sẽ nhận ra được những giá trị mà tôi đang làm”, Ngô Hồng Quang chia sẻ.
“Tôi yêu âm sắc của các nhạc cụ dân tộc từ khi còn nhỏ. Lúc bé được ông nội tôi chơi nhị cho nghe, lớn hơn thì được tiếp cận với nhiều môi trường và không gian âm nhạc khác nhau nên hầu hết là tôi thích các loại nhạc cụ dân tộc. Việc có duyên và chơi nhạc cụ dân tộc lại là chuyện khác. Nếu tôi hợp duyên với nhạc cụ nào là sau một vài tuần là tôi có thể chơi được theo phong cách riêng của mình”, Ngô Hồng Quang nói, đồng thời nhấn mạnh: Khi bước ra thế giới, tình yêu của tôi với các nhạc cụ dân tộc càng ngày càng mạnh hơn. Lúc đó tôi biết rằng đứng giữa một cái nôi văn hóa âm nhạc đa dạng tôi phải biết mình là ai và có những cái gì và yêu quý nó như thế nào. |