Hà Nội tập trung xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, tính đến hết năm 2020, cả nước có 1.630 chuỗi và 2.991 điểm bán hàng; trong đó, Hà Nội đã xây dựng 141 chuỗi (chiếm 8,8% tổng số chuỗi của cả nước) với 70 điểm bán. Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cung cấp sản phẩm cho Hà Nội là 786 chuỗi (chiếm 48%) với 670 điểm bán sản phẩm chuỗi (22%). Như vậy, chỉ có 21 tỉnh, thành phố cung cấp sản phẩm cho Hà Nội (chiếm 1/3 số tỉnh thành trong cả nước) thì số lượng chuỗi cung cấp cho Hà Nội đã triển khai đạt gần 50% số chuỗi trên cả nước.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, đây là kết quả rất đáng khích lệ trong việc triển khai chương trình phối hợp chuỗi cung cấp nông - lâm - thủy sản cho thành phố Hà Nội mà chương trình đã thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Việc xây dựng và phát triển chuỗi bước đầu tạo ra sản phẩm vật nuôi, cây trồng được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu, giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm và trách nhiệm với người sử dụng.
Ảnh minh họa |
Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay, Hà Nội có 12/18 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, huyện Đan Phượng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 96,3%, trong đó, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hà Nội hiện cũng đẩy mạnh phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra, với 4 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm quốc gia công nhận sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có nhiều sản phẩm xây dựng chuỗi nông sản an toàn. Thành phố mong muốn Bộ NN&PTNT hỗ trợ định hướng xây dựng chuỗi tập trung vào một số vùng, một số lĩnh vực phù hợp với tính chất nông nghiệp của thủ đô.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối quy mô lớn cấp vùng để kiểm soát tốt hơn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát trách nhiệm của các cơ sở cung ứng nông sản, sản phẩm, thực phẩm đến chợ đầu mối. Bởi chợ đầu mối có vai trò quan trọng giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Chỉ khi có chợ đầu mối mới kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát trách nhiệm của người cung cấp nông sản, thực phẩm vào chợ đầu mối. Do đó, Hà Nội mong Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng các chợ đầu mối quy mô lớn cấp vùng. Cùng với đó, Hà Nội đang thúc đẩy xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc lớn; các nhà máy giết mổ, chế biến thịt hiện đại, thành phố mong Bộ NN&PTNT giới thiệu các doanh nghiệp vào hợp tác.
Đối với xây dựng nông thôn mới, thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện. Huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đề nghị Trung ương sớm có hướng dẫn để công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong trường hợp huyện Đan Phượng đã đảm bảo các tiêu chí đặt ra, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương sẽ đề xuất Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Trung ương để đánh giá công nhận huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của cả nước, rút kinh nghiệm cho các địa phương khác. Bên cạnh đó, thứ trưởng cũng giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội nghiên cứu vị trí xây dựng Trung tâm thiết kế, sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm).
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhất trí với TP. Hà Nội về chủ trương chỉ nên xây dựng các chuỗi ở một số lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản chứ không làm dàn trải, mô hình đã xây dựng là phải thành công. Chủ trương của ngành nông nghiệp là không chỉ với các sản phẩm xuất khẩu mà các sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng sẽ tiến tới cấp mã số vùng trồng, sản xuất an toàn.