Hạ tầng thanh toán số giúp địa phương phát triển thành phố thông minh
NHNN được giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng thành phố thông minh, bền vững Ngân hàng cùng thành phố thông minh “mở lối” cho dịch vụ số toàn trình |
Phối cảnh Dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội |
Thanh toán số hiện diện trong mọi lĩnh vực dịch vụ
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xin ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực…
Để đạt được điều này, chia sẻ tại hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở" ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã và đang tập trung vào việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khơi dậy khả năng sáng tạo của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, năng động và đáng sống.
Trong đó, ông Trần Văn Thành - Phó Trưởng Phòng phát triển kênh số và đối tác Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phân tích, thành phố thông minh được định nghĩa là một khu vực đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cùng các cảm biến điện tử để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. Các giải pháp thông minh cho tiện ích đô thị được coi là yếu tố cơ bản xuyên suốt, đặc biệt thanh toán số sẽ là công cụ đắc lực để thực hiện điều đó. Thanh toán số hiện diện trong mọi lĩnh vực từ các dịch vụ thiết yếu như: Giao thông thông minh, y tế số, giáo dục số, dịch vụ tiện ích, dịch vụ hành chính công trực tuyến đến ngành bán lẻ, du lịch thương mại…
Người dân trải nghiệm thanh toán số tại quận Hoàn Kiếm |
Vai trò quan trọng của thanh toán số trong việc xây dựng thành phố thông minh càng được củng cố bởi sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua. Ông Hà Minh Hải cho biết, đến tháng 9/2024, Hà Nội đã triển khai thành công 102 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thông minh ở các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình...; không chỉ giúp người dân thanh toán phí dịch vụ dễ dàng thông qua thẻ ngân hàng, mã QR hoặc ví điện tử mà còn giúp thành phố theo dõi và quản lý nguồn thu từ các bãi đỗ xe một cách minh bạch và hiệu quả. Từ khi triển khai, hệ thống đã ghi nhận hơn 550.000 lượt giao dịch với tổng số tiền thu về hơn 57 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở các dịch vụ hành chính cơ bản, thanh toán thông minh còn được tích hợp vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, từ việc thanh toán viện phí, học phí, đến các dịch vụ y tế và công cộng. Đây là một trong những bước đột phá trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng dịch vụ của Thành phố, góp phần hướng tới hình thành một hệ sinh thái tài chính minh bạch, an toàn và tiện ích cho tất cả các bên tham gia.
Thêm động lực từ ngân hàng mở
Nhằm tạo điều kiện cho thành phố thông minh hoàn thành các mục tiêu liên quan đến thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triển một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.
Thông tin kỹ hơn về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, nhiều ngân hàng đã chủ động mở một phần dữ liệu của mình với bên thứ ba, triển khai API tương đối phổ biến. Các ngân hàng thời gian qua đã triển khai các Cổng API mở (Open API Portal) cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng đổi mới sáng tạo. Ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi.
"Việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển. Từ việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số", ông Hà Minh Hải khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Hải, một trong những thách thức lớn đối với việc xây dựng thành phố thông minh là đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin cho người dân trong các giao dịch điện tử. Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống bảo mật, đồng thời hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu để phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn cho các giao dịch số. Trong tương lai, thanh toán thông minh sẽ không chỉ giới hạn trong các giao dịch thương mại và dịch vụ công mà còn được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp thông minh, du lịch số, và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thông tư về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng (Open API) và nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử, ông Phạm Anh Tuấn thông tin.
Với vai trò là đơn vị đang định hướng phát triển “số hoá thanh toán” để hỗ trợ TP. Hà Nội xây dựng đô thị thông minh, ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, NAPAS và các ngân hàng thành viên đã sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật để triển khai kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công,... thông qua hạ tầng kỹ thuật ngân hàng mở. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường triển khai, kết nối với hệ thống ngân hàng để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ chất lượng.