Hà Tĩnh nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Những năm gần đây, Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhiệm vụ chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, địa phương có nhiều văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số như: Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh có Quyết định số 424/QĐ-UBND, về phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025”, những định hướng này đã góp phần tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi số trên địa.
Trong số đó, Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025”, với trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chính trị ổn định...
Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhiệm vụ chuyển đổi số. |
Với nhiều nỗ lực, năm 2022 Hà Tĩnh có nhiều nỗ lực cải thiện chỉ số DTI (chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh). Cụ thể, tỉnh xếp thứ 37/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 22 bậc so với năm 2021); xếp thứ 28 cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); thứ 7 cả nước về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS). Đặc biệt, Hà Tĩnh đứng thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ cấp thẻ căn cước công dân và tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, xóm trên địa bàn đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng; 100% các sản phẩm OCOP của các địa phương được đăng tải lên sàn thương mại điện tử tỉnh và của các doanh nghiệp; 100% Doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP; có 544 sản phẩm được giới thiệu và bày bán trên sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh. Trong đó, 416 sản phẩm tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ngoài ra, đến nay Hà Tĩnh là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới. Phần mềm “Dữ liệu số nông thôn mới Hà Tĩnh”, cập nhật được kết quả thực hiện nông thôn mới các cấp từ tỉnh đến huyện, xã; đánh dấu tọa độ địa lý, hạ tầng nông thôn mới như, trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, khu di tích, vườn mẫu… Qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng một cách sâu rộng…
Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ người dân địa phương chuyển đổi số. |
Theo ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia hưởng ứng trách nhiệm, nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp. Hà Tĩnh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Thông tin và truyền thông, các doanh nghiệp, tập đoàn cung cấp nền tảng số, giải pháp số. Đặc biệt, là sự tư vấn, định hướng chiến lược giúp tỉnh trong chuyển đổi số giai đoạn của các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu về chuyển đổi số như VNPT, Viettel, Mobifone, FPT...
Đặc biệt, Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số một cách tích cực, thường xuyên. Thông qua truyền thông đã thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, dẫn đến thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số…
Mặc dù đạt một số kết quả bước đầu, song việc triển khai chuyển đổi số Hà Tĩnh vẫn còn một số hạn chế như: Hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành còn nhỏ lẻ, phân tán chưa hình thành hệ thống dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh. Nhân lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn thiếu và yếu; Doanh nghiệp công nghệ số của địa phương chưa đủ mạnh để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số...
Nhiều sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh được đăng tải lên sàn thương mại điện tử địa phương và của các doanh nghiệp. |
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, địa phương, đặc biệt Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số vào các hoạt động cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo phù hợp. Tăng cường khả năng kết nối liên thông tích hợp chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin. Cập nhật tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của tỉnh xây dựng kế hoạch đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức chung của xã hội về chuyển đổi số đặc biệt là những người làm công tác chuyển đổi số.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia để đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện chỉ số DTI… Hà Tĩnh cần triển khai cổng dữ liệu mở; khai thác dịch vụ dữ liệu có trên NDXP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia); triển khai các nền tảng số như: nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; nền tảng giám sát trực tuyến; trợ lý ảo phục vụ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.