Hàng tiêu dùng tăng giá
CPI tháng 2/2021 vọt tăng 1,52% |
Bà Nguyễn Thị Thảo (ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình bà sử dụng một bình gas 12kg trong 1,5 tháng, tháng Tết dùng nhiều hơn thì bình 12kg/tháng. Ngay từ ngày đầu tháng 3/2021, khi thay bình gas mới, bà đã phải trả thêm 5.000 đồng/bình 12kg, mức giá gas bán lẻ hiện tại là 430.000 đồng/bình, cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 100.000 đồng/bình 12kg. Nhìn lại thì đây là tháng thứ 3 liên tiếp trong năm 2021, giá gas tăng, đến nay tổng mức tăng 3 lần đã lên đến 50.500 đồng/bình 12kg. Nhiều người cho rằng mức giá gas này là quá cao đối với người sử dụng. Thêm vào đó, giá hầu hết các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, chất đốt, điện, dược phẩm… đều tăng từ sau Tết Nguyên đán, khiến các gia đình phải tính lại mức chi tiêu hàng ngày. Đây thật sự là gánh nặng của người dân.
Ảnh minh họa |
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong tháng 2/2021 (tháng Tết) tăng 1,19% so với tháng trước.
Trong đó, tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2,06%). Diễn biến giá cụ thể một số nhóm ngành hàng như, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,35% (so với tháng trước). Trong đó, lương thực tăng 0,07%, tập trung ở các nhóm bột mì và ngũ cốc khác. Nhóm thực phẩm tăng 1,79% so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm thịt gia súc, tăng 3,99%, với giá thịt lợn tăng 5,28%, thịt bò tăng 2,36% do các nhu cầu tăng dịp Tết Nguyên đán, nhóm thủy sản tươi sống tăng 3,12%, thủy sản chế biến tăng 2,37%.
Ở nhóm hàng tiêu dùng như may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,35%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 2,06%. Trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 13% do kết thúc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19 đợt 2, giá nước sinh hoạt tăng 2,65%. Gas và các loại chất đốt tăng 4,84% do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, cụ thể giá gas tăng 4,94%, giá dầu hỏa tăng 3,70%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0,31% do nhiều mặt hàng ngưng khuyến mãi, làm giá điều chỉnh tăng trở lại.
Tuy nhiên, tình hình giá cả hàng hóa sau Tết Nguyên đán được Bộ Tài chính đánh giá là không có biến động lớn và mức độ tăng thấp hơn tết năm trước (năm 2020), một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào. Nhìn chung thì tình hình giá cả thị trường cơ bản ổn định trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá (do Ban Chỉ đạo điều hành giá của Bộ Tài chính) đã đề ra. Thị trường cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, từ trong tết đến nay có lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là đã chủ động nguồn hàng tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai trong năm 2020. Tuy nhiên, dự báo giá cả hàng hóa sẽ vẫn còn ở mức cao đến hết tháng Giêng âm lịch do hoạt động vận tải, phân phối còn hạn chế, người bán chưa trở lại kinh doanh như ngày bình thường.