Hành động mạnh mẽ để tránh suy thoái
“Cạn” dư địa điều hành
Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức thấp nhất trong 50 năm; chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ; thị trường nhà đất khởi sắc và các chỉ số chứng khoán liên tục chinh phục những mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, những tiến triển tích cực đó dường như vẫn chưa đủ. Trong nỗ lực chống lại những nguy cơ thiệt hại do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ra, Fed đã 3 lần cắt giảm lãi suất 0,25%. Quốc hội cũng tiếp tục thông qua các đề nghị tăng chi tiêu và giảm thuế của chính quyền nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng hơn nữa. Và giờ là lúc “hóa đơn đến hạn”, với thâm hụt ngân sách liên bang đã vượt mức một nghìn tỷ USD vào năm 2019, trước thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra.
“Trong tay bạn sẽ còn gì để đối phó với cuộc khủng hoảng tiếp theo? Khi các trang sử được viết ra, chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ có lỗi vì đã để tình trạng nợ quá nhiều; Fed sẽ có lỗi vì đã duy trì các mức lãi suất siêu nới lỏng”, bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, nói.
Mỹ đang gặp nhiều thách thức chính sách trong đối phó với đại dịch Covid-19 |
Trên thực tế, Fed đã hết dư địa để giảm thêm lãi suất. Sau 2 quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp lớn trong tháng này, lãi suất hiện đã ở mức 0-0,25%. Ngay cả các mức lãi suất (trước khi bị cắt giảm liên tiếp vừa qua) cũng đã là rất thấp, nên không rõ những cắt giảm mới nhất sẽ mang lại hiệu quả đến đâu. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hiện nay, nhiều hộ gia đình và DN Mỹ thậm chí sẽ không thể tận dụng từ chi phí vay thấp hơn này. “Fed có thể hạ lãi suất, nhưng nếu mọi người không thể rời khỏi nhà, thì mọi thứ vẫn vậy mà thôi”, Hooper nhận định.
Trong khi dư địa cho lãi suất dương không còn, các quan chức Fed cũng không muốn đưa xuống mức âm – bởi các bài học nhãn tiền ở châu Âu và Nhật Bản hiện nay, dù áp dụng lãi suất âm nhưng vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Nếu lãi suất âm có thể mang lại tác động nào đó, thì rõ nhất là sẽ làm tổn thương tới người tiết kiệm, các công ty bảo hiểm và ngân hàng. "Bài học rút ra từ Nhật Bản và châu Âu là lãi suất âm không thực sự giúp ích cho hệ thống tài chính", Mark Howard, chuyên gia cao cấp về tài sản tại BNP Paribas nói. "Nó không thúc đẩy cho vay. Nó càng không khuyến khích người tiết kiệm".
Lịch sử cho thấy, Fed thường phản ứng với suy thoái kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất khoảng năm điểm phần trăm. Nhưng cắt giảm sâu, nhằm khuyến khích các hộ gia đình và DN tiếp tục chi tiêu, là không thể trong bối cảnh hiện nay.
Tung gói QE 4
Bước vào năm 2020, lãi suất được duy trì ở mức 1,25%-1,5%. Lãi suất cực thấp đã được Fed duy trì trong phần lớn khoảng thời gian mà kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sau một loạt các đợt tăng lãi suất giai đoạn 2015 – 2019 nhằm đưa CSTT "bình thường hóa" trở lại, CTTM Mỹ - Trung nổ ra lại buộc Fed đảo ngược lộ trình này, với 3 lần giảm lãi suất trong năm 2019.
Cùng với đó, Fed đối phó với cuộc khủng hoảng này với 3 gói nới lỏng định lượng (QE), bắt đầu từ năm 2008, qua đó đã đưa bảng cân đối kế toán có tổng trị giá khoảng 4,5 nghìn tỷ USD, tăng gần 5 lần so với mức chỉ 900 tỷ USD năm 2007. Trong những năm gần đây, Fed đã phải vật lộn để giảm dần và rút khỏi các gói QE này mà chưa xong. Rồi Covid-19 bùng phát thành đại dịch, buộc Fed vào cuối tuần trước lại một lần nữa phải tung ra gói nới lỏng mới (QE 4), với cam kết sẽ mua 700 tỷ USD trái phiếu để giữ lãi suất thấp và thúc đẩy thị trường tài chính. Tuy nhiên, những giải pháp này dường như chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi thị trường thay vì phản ứng tích cực thì tiếp tục xu hướng rất tiêu cực trong những ngày vừa qua.
Trong bối cảnh không còn dư địa để cắt giảm lãi suất và bảng cân đối kế toán thì đã rất “khổng lồ”, giới phân tích đã nhận định rằng Fed có thể cần phải chuyển sang các công cụ độc đáo hơn. Đó là “theo chân” của các NHTW khác mua vào trái phiếu DN, quỹ ETF và thậm chí cả cổ phiếu.
Ngân sách sẽ thâm hụt lớn hơn nữa
Trong khi đó, chính phủ liên bang đã phải gánh một khoản nợ khổng lồ trong những năm cuối của quá trình nền kinh tế phục hồi (sau khủng hoảng 2008). Khoản nợ đó sẽ đẩy nợ quốc gia lên cao hơn sau khủng hoảng vì dịch Covid-19 này và nó có thể khiến một số nhà lập pháp ngần ngại hơn trong ủng hộ tiếp tục vay nợ mạnh trong giai đoạn hiện nay - mặc dù không chỉ chính quyền mà các chuyên gia kinh tế đều khẳng định đây là điều cần thiết trong lúc này.
Thông thường, Washington sẽ cắt giảm thâm hụt liên bang trong thời gian nền kinh tế tăng trưởng, qua đó tạo dư địa và gối đệm tài khóa để đối phó trong trường hợp suy thoái diễn ra. Tuy nhiên, lần này các nhà hoạch định chính sách đã cho phép thâm hụt đạt đến mức cao hiếm thấy. Bội chi ngân sách đạt mức kỷ lục 235 tỷ USD trong tháng 2 vừa qua - tháng cuối cùng trước khi dịch Covid-19 bắt đầu thực sự gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội gần đây dự báo thâm hụt ngân sách năm 2020 cũng sẽ lên tới một nghìn tỷ USD. Ước tính dù cao đó nhưng chỉ sau ít ngày đã trở nên “có vẻ thấp” khi Phố Wall, các ngành và các tập đoàn của Mỹ đều đang ngóng chờ chính quyền liên bang phải hành động mạnh để hỗ trợ nền kinh tế đang bị vùi dập bởi dịch và nỗi lo dịch bệnh.
Các nhà phê bình cũng cho rằng, các kích thích tài khóa trong những năm gần đây không mang lại sự thúc đẩy như kỳ vọng. Biểu hiện như dù có nhiều tiền mặt (do được cắt giảm thuế) nhưng các DN lại “nản lòng” với việc mua lại cổ phần, hay kỳ vọng sẽ có sự bùng nổ trong chi tiêu kinh doanh cũng không trở thành hiện thực khi các DN phải đối mặt với sự không chắc chắn chưa từng có do CTTM Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn.
Ở phía ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, phải vay mượn hơn nữa là điều chính quyền liên bang cần làm hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế, người dân và giải cứu các ngành công nghiệp đang bị tổn thương vì dịch. Tin tốt lúc này là chi phí vay đang rất thấp. Lợi suất trái phiếu 10 năm đang ở mức dưới 1%.
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba cho biết, ông ủng hộ một gói cứu trợ lớn cho Boeing và ngành hàng không Mỹ, quy mô có thể lên tới 50 tỷ USD. Một động thái khác là chính quyền Mỹ đang xem xét kế hoạch “tặng” séc (hay chi phiếu) 1.000 USD cho công dân Mỹ. Mục tiêu đặt ra là khoản tiền đó sẽ nhanh chóng đến tay người tiêu dùng và về lý thuyết, sau đó người dân sẽ tiêu, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cũng kêu gọi các nhà lập pháp cần tránh lặp lại sai lầm giai đoạn 2008-2009, khi những lo ngại về thâm hụt ngân sách đã khiến họ rất khó khăn trong việc thông qua gói kích thích táo bạo mà cuộc khủng hoảng đòi hỏi và hệ quả là kinh tế Mỹ chỉ phục hồi rất chậm chạp những năm sau đó.