Hành trình từ trái tim
Lưu dấu một hành trình đặc biệt
Như lời mở đầu: “Cuốn kỷ yếu lưu dấu một hành trình đặc biệt. Hành trình từ trái tim mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều mong mỏi một lần được đến với Trường Sa. Chuyến tàu Trường Sa 571 sẽ mãi mãi là hành trình yêu thương trong trái tim mỗi thành viên Đoàn công tác số 20 năm 2024”. Kỷ yếu dày 180 trang, xen kẽ với các bài viết, thơ, nhạc… của các thành viên trong đoàn về chuyến đi. Đó còn là hơn 500 bức ảnh ghi lại hành trình gần 1.200 hải lý của Đoàn công tác số 20 đến thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ, người dân tại các điểm đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, An Bang, Đá Tây C, Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I/16 Phúc Tần.
Ở mục Cam Ranh - Ngày mong chờ đã đến trong kỷ yếu: “Khách sạn NaVy - Trường Sa, chiều ngày 12/5/2024 như nhộn nhịp và đông đúc hẳn lên. Những đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc, bằng nhiều phương tiện khác nhau đã tề tựu đông đủ chuẩn bị cho một hành trình đầy ý nghĩa. Hành trình ra thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 thân yêu”. Trong khi đó, mục Trước giờ khởi hành đã ghi lại không khí hân hoan nhưng không kém phần trang nghiêm của buổi lễ xuất hành: “Ngày 14/5/2024, từ sáng sớm tại Cảng Quốc tế Cam Ranh - Cầu cảng được xem dài nhất Việt Nam án ngữ trên vùng vịnh Cam Ranh hiền hoà thơ mộng, xa xa là những biên đội tàu ngầm và tàu chiến đấu hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam, các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã có mặt đông đủ, hàng ngũ chỉnh tề để đón và tiễn đoàn ra khơi làm nhiệm vụ theo đúng thông lệ của những người đi biển. Ngay khi đặt chân lên tàu, dù không nói ra, nhưng trên gương mặt của các thành viên đều thể hiện niềm vui, sự phấn khởi và háo hức khi được tham gia cùng đoàn công tác ra Trường Sa trong những ngày tháng Năm lịch sử”.
Thật trang nghiêm và lắng đọng khi xem lại những hình ảnh Lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chùa Linh Nguyên, Công viên tâm linh, thăm Lữ đoàn 162, Lữ đoàn 189 (Quân chủng Hải quân). Song có lẽ, xúc động nhất là những bức ảnh ghi lại lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14/3/1988 trên boong tàu Trường Sa 579 được thả neo gần đảo Len Đao.
Ở mỗi đảo và nhà giàn đoàn công tác đến thăm, đều có phần giới thiệu riêng và đặc biệt, qua những hình ảnh được in trong cuốn kỷ yếu, người xem như cảm nhận được sức sống và sự kiên cường của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Từ những ánh mắt hồn nhiên ngây thơ của những em bé là công dân được sinh ra trên đảo, những nụ cười rạng rỡ của các chiến sĩ trẻ cùng “màu da nay nám màu sương gió”. Những bông hoa đâm chồi nảy lộc, những hàng cây xanh rì rào trước gió, những vườn rau tươi tốt đủ loại trên đảo… Những hình ảnh trao tặng quà, những buổi giao lưu văn nghệ, các hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của các thành viên đoàn công tác… đã lưu dấu một hành trình đặc biệt như chủ đề của cuốn kỷ yếu: Hành trình từ trái tim.
Kỷ yếu Đoàn công tác số 20, tháng 5/2024 vừa được NXB Hội Nhà văn xuất bản (7/2024) |
Cảm xúc dâng trào
Xúc động về lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14/3/1988, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Trưởng đoàn công tác của ngành Ngân hàng Cao Văn Bình đã viết: Hơn 200 trái tim đã nghẹn ngào xúc động khi cùng đứng trên boong tàu dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Lễ tưởng niệm là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong cả chuyến hải trình. Nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt khi nghĩ về những liệt sỹ đã hy sinh giữa biển khơi, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Tiếp bước các anh, từ công sức, mồ hôi và cả xương máu đã đổ xuống, biển đảo Trường Sa đã và đang thay da đổi thịt hằng ngày.
Anh Chử Phương Nam, Phó chánh văn phòng Ban cán sự Đảng NHNN đã thổ lộ trong bài thơ “Tôi đã hiểu”: Tôi đã khóc những liệt sĩ Gạc Ma/ Cái chết linh thiêng in bóng hình Tổ quốc/ Giữa đại dương sáu mươi tư ngọn đuốc/ Soi đường chúng tôi tiếp bước cha ông. Từ Hà Giang, đại biểu Lại Quốc Tĩnh đã không giấu được cảm xúc: Tay nắm chặt tay trọn một vòng bất tử/ Lịch sử khắc ghi bi tráng những anh hùng/ Chọn cái chết để sống cùng dân tộc/ Sóng biển Đông ru mãi các anh nằm.
Được dự lễ chào cờ, chứng kiến Quốc kỳ tung bay cao trên đảo Trường Sa, trong mỗi thành viên đoàn công tác như trào dâng một niềm tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước. Phó trưởng Ban nữ công Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương Lê Thị Minh Huệ đã chia sẻ trong bài thơ Chào cờ trên đảo Trường Sa: Không thể tả hết cảm xúc lần đầu/ Được đứng chào cờ trên đảo Trường Sa/ Lời “Tiến quân ca” vang trên sóng nước/ Tổ quốc thiêng liêng, xúc động và tự hào.
Từ cực Bắc đến Trường Sa, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Giang Vương Ngọc Hà xúc động: Khép lại hải trình 7 ngày đến quần đảo Trường Sa, trở với về với núi đá tai mèo nơi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, trong tôi vẫn âm vang lời bài hát "Gần lắm Trường Sa ơi": Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi... Chúng ta ở hai tuyến đầu của Tổ quốc, không xa đâu vì trong tim mình cùng có chung tình yêu Tổ quốc. Mỗi chúng ta hãy rèn luyện và cống hiến hết mình để thực sự là "những cột mốc sống" kiên trung giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc các anh nhé.
Trong bài viết gửi cho kỷ yếu với tựa đề “Mang hơi ấm từ đất Mẹ”, đại tá Đỗ Minh, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác 20 chia sẻ: Qua thực tế chuyến đi thăm và làm việc trên các đảo và nhà giàn DK1/16, chúng ta thấy rõ hiệu quả to lớn và rất thiết thực các phong trào của cả nước giúp đỡ và ủng hộ Trường Sa thời gian qua, trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng, các địa phương, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong đoàn công tác. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa”, các đồng chí đã quên đi hết mệt mỏi, mang đến cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên các đảo hơi ấm từ đất Mẹ. Động viên và tạo động lực mới cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.
Cảm nhận về cuốn kỷ yếu, Trưởng đoàn công tác của ngành Ngân hàng CaoVăn Bình viết: Lật giở từng trang như được thấy lại mỗi thời khắc của cuộc hành trình đầy xúc động và đáng nhớ, lại càng cảm phục hơn sự hy sinh, tinh thần kiên cường, sáng tạo vượt qua khó khăn của cán bộ chiến sĩ và người dân trên các đảo ở Trường Sa. Tôi tin rằng, hơn 200 thành viên của Đoàn công tác số 20, tuy không cùng quê, không cùng nghề nghiệp song sau chuyến hành trình chung cùng ra thăm huyện đảo Trường Sa lần này, tất cả như cùng một nhịp đập của trái tim, một cảm xúc yêu thương, tự hào về biển đảo quê hương; cùng mong muốn được cống hiến, được đóng góp công sức cho việc xây dựng biển đảo quê hương ngày càng to đẹp hơn.