Hỗ trợ lãi suất 2%: Nhanh chóng trao "phao cứu sinh" tới doanh nghiệp
Nhà băng tích cực vào cuộc
Là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai, HDBank cho biết đã khẩn trương ban hành quy định nội bộ, tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới các điểm giao dịch trên cả nước và chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hỗ trợ khách hàng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh đó, đường dây nóng của HDBank hoạt động 24/7 để tiếp nhận, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng về đối tượng và điều kiện được hỗ trợ lãi suất.
Song song, ngân hàng này tiếp tục triển khai cung cấp tín dụng, sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Các ngân hàng đang tích cực đưa gói hỗ trợ lãi suất tới tay doanh nghiệp càng nhanh càng tốt |
Sacombank cũng cho biết đã triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Sacombank hỗ trợ lãi suất 2%/năm dành cho các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, áp dụng tính trên số dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất, có thời hạn cho vay được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023.
Nhà băng này cũng thông tin, thời gian qua đã liên tục đưa ra các gói vay hỗ trợ miễn giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ, triển khai các gói tín dụng ưu đãi trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Cùng với đó, ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi nhằm đồng hành, tối ưu chi phí cho khách hàng. Sắp tới, Sacombank sẽ tiếp tục đưa ra các gói ưu đãi khác để tăng cường hơn nữa những giải pháp thiết thực đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, khi nhận được các văn bản chỉ đạo, Vietcombank đã triển khai đồng bộ các giải pháp về chính sách và hệ thống công nghệ thông tin để sẵn sàng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đủ điều kiện.
Minh chứng là ngân hàng đã triển khai công tác tập huấn trong nội bộ, từ hội sở xuống chi nhánh để nắm bắt và thông suốt về chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Các điều kiện, được đưa ra rất rõ ràng và minh bạch để khách hàng có thể tiếp cận đầy đủ, nếu đúng điều kiện thì ngân hàng sẽ hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định.
Bà Yến cũng thông tin, trong thời gian tới, cùng với các chính sách phát triển của Vietcombank, đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng sẽ tiếp tục truyền thông và hỗ trợ để khách hàng hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Còn theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, mặc dù ngân hàng rất tích cực trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, tuy nhiên cho đến nay, sự quan tâm của khách hàng cũng chưa nhiều, một phần nguyên nhân do thủ tục và các đối tượng thụ hưởng còn hạn chế nên hỗ trợ chưa được như kỳ vọng.
Trong thời gian tới, ngân hàng hy vọng các bộ, ngành liên quan cũng như NHNN có sửa đổi, hướng dẫn thêm cho thủ tục được giản tiện hơn thì sự tiếp cận nguồn hỗ trợ lãi suất từ ngân sách với các đối tượng sẽ dễ dàng hơn.
Cùng gỡ vướng cho ngân hàng
Chỉ trong vòng một tháng vừa qua, NHNN đã ban hành hai văn bản yêu cầu các NHTM đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Gần đây nhất là văn bản số 6221/NHNN-TD, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, xác định một trong những mục tiêu trọng tâm của năm 2022 là Chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho những người vay vốn tại NHTM qua gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, phía NHNN đã triển khai nhanh chóng một loạt các biện pháp.
Về hành lang pháp lý, NHNN đã phối hợp với các bộ và trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, cùng ngày, NHNN đã ban hành ngay Thông tư 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn các NHTM triển khai đến các đối tượng vay vốn. Tiếp đó, NHNN cũng đã thu thập thông tin đăng ký từ các NHTM để tiến hành đề xuất cùng với các bộ để phân bổ ngân sách 40.000 tỷ đồng trong 2 năm. Theo đó, năm 2022 dự kiến sẽ phân bổ khoảng 16.000 tỷ đồng, sang năm 2023 dự kiến sẽ phân bổ 24.000 tỷ đồng còn lại.
Sau khi đã phân bổ ngân sách, NHNN cũng đã tiến hành triển khai, hướng dẫn các NHTM và đã ban hành bộ tài liệu giải đáp trên 20 vấn đề cho các NHTM trong quá trình triển khai như: về đối tượng, về phương thức, về cách đăng ký, về cách lập dự toán cũng như rút vốn hỗ trợ và quyết toán.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng được yêu cầu phải tập trung mọi nguồn lực cao để triển khai nhanh các gói hỗ trợ này đến người vay vốn. Công tác truyền thông cũng rất được chú trọng, NHNN đã đề xuất để lãnh đạo Chính phủ chủ trì, lãnh đạo NHNN cũng đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị đến các NHTM để thông tin chính sách đến các đối tượng thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, có thể thấy việc triển khai gói hỗ trợ hiện chưa được như kỳ vọng do còn có khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết. Đơn cử như về đối tượng được hỗ trợ lãi suất, trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, đa lĩnh vực mà một trong những lĩnh vực đó thuộc ưu tiên thì có được hỗ trợ hay không. Hai là có nhiều hộ gia đình là khách hàng vay vốn của NHTM nhưng lại không đăng ký kinh doanh, khi đối chiếu thì chưa đủ điều kiện đối tượng của chương trình.
Bên cạnh đó là tiêu chí đánh giá là khách hàng phải có khả năng, có phương án sản xuất kinh doanh, có khả năng phục hồi. Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, NHNN thấy có sự khác biệt giữa sự đánh giá, thẩm định của NHTM, ngân hàng cho vay với đánh giá về sau này của các cơ quan kiểm tra, thanh tra hay kiểm toán về thế nào là khách hàng có khả năng phục hồi.
Ngoài ra, khi đánh giá tính khả thi của dự án là tính thời điểm thẩm định dự án và quyết định giải ngân. Nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có rất nhiều biến cố dẫn đến phương án ban đầu khả thi, khách hàng có khả năng trả được nợ, nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến khó khăn trong trả nợ. Vậy lúc đó có được coi là có khả năng phục hồi hay không?
“Hai khó khăn này NHNN đã nhận diện được và đề nghị các bộ liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng thống nhất theo hướng: Giao NHTM chủ động đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng tại thời điểm đánh giá/thẩm định để quyết định việc cho vay cũng như quyết định việc hỗ trợ lãi suất; trường hợp khách hàng sản xuất, kinh doanh đa ngành, lĩnh vực, khách hàng được hỗ trợ lãi suất có trách nhiệm tự xác định tại phương án vay vốn về phạm vi sử dụng vốn vay phục vụ cho ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. NHTM căn cứ vào phương án vay vốn của khách hàng để thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng. Khách hàng chịu trách nhiệm về việc tự xác định này”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ.
Trong cuộc họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý III/2022 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, để đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất, NHNN sẽ thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai tại các NHTM và các địa phương; tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến triển khai hỗ trợ lãi suất.