Hồi sinh “Hải Vân Quan”
Phục hồi di tích quốc gia
Cuối cùng thì lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan cũng đã được tổ chức. Dự án do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư và Sở Văn hoá và Thể thao TP. Đà Nẵng là đơn vị đại diện phía TP. Đà Nẵng phối hợp điều hành thực hiện. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 6.500m2 với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP. Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế 50% trên tổng mức đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm.
Có lẽ ít có di tích nào có giá trị đặc biệt như Hải Vân Quan lại có số phận long đong khi trong thời gian dài thiếu sự quản lý, trùng tu hay tôn tạo. Cũng do vị trí Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, địa danh này là vùng giáp ranh giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Di tích bị bỏ rơi và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng xuất phát từ nguyên do hai địa phương chưa tìm được tiếng nói chung. Hàng ngày khách du lịch đến tham quan Hải Vân Quan xả rác, leo trèo lên di tích để chụp ảnh, hoặc khắc tên lên tường lại càng làm cho di tích mau xuống cấp. Các dịch vụ du lịch do không được quản lý nên lộn xộn và không tránh khỏi việc chèo kéo, làm phiền du khách... Những hình ảnh như thế, không khỏi khiến cho người quan tâm đến di tích Hải Vân Quan xót xa…
Di tích Hải Vân Quan vừa được khởi công phục hồi |
Sau nhiều cố gắng và nỗ lực để tìm tiếng nói chung, năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan. Và điều quan trọng hơn là lãnh đạo hai địa phương đã cùng ký bản ghi nhớ về phối hợp quản lý di tích, phát huy giá trị Hải Vân Quan; Lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch bền vững…
Ông Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP. Đà Nẵng chia sẻ. Hải Vân Quan đã trải qua gần 200 năm. Dù công trình được xây bằng vật liệu kiên cố nhưng qua bao biến thiên của lịch sử và thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung, tình trạng Hải Vân Quan hiện xuống cấp đáng báo động. Hai cửa quan, phần chính của công trình dần bong tróc, lối đi bị xói lở, cây cỏ xâm thực... Từ một quan ải lừng lẫy, Hải Vân Quan xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích. Dẫu muộn nhưng phải nói việc Hải Vân Quan trở thành di tích quốc gia và nay được phục hồi là niềm vui lớn.
Những người quan tâm đến di tích Hải Vân Quan như được thở phào và bày tỏ vui mừng khi biết được Hải Vân Quan được khởi công phục hồi sau gần 5 năm đón nhận bằng di tích cấp quốc gia và có lẽ quan trọng hơn là cái bắt tay giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế để cùng nhau thực hiện công tác bảo tồn và trùng tu di tích Hải Vân Quan, làm sống lại và khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa của danh thắng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã đi vào tiềm thức.
Để di tích phát huy giá trị
Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trong Đại Nam thực lục chính biên chép rằng "Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước viết ba chữ "Hải Vân Quan", ngạch sau viết sáu chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Tương truyền cái tên "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" do vua Lê Thánh Tông đặt, khi ông dừng chân trên đỉnh Hải Vân trong một lần nam chinh. Đúng như tên gọi, Hải Vân Quan là cửa ngõ hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc Nam thuở trước. Các vua triều Nguyễn đã chú trọng xây dựng Hải Vân Quan kiên cố… Chính nhờ vậy, đã góp phần ngăn bước tiến của quân Pháp từ Đà Nẵng ra kinh đô Huế trong cuộc chiến năm 1858.
Hải Vân Quan được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, vừa hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là “yết hầu” của Kinh đô Huế. Thành lũy này án ngữ trên con đường Thiên lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại. Với địa thế như vậy, một căn cứ quân sự vững chắc có thể kiểm soát toàn bộ sự lưu thông giữa hai xứ, một thành lũy quân sự có thể chống cự số lượng địch quân gấp nhiều lần hơn và với độ cao gần 500m so với mặt biển, có thể quan sát rất rộng về các phía, đặc biệt là toàn bộ vịnh Đà Nẵng.
Với cái nhìn chiến lược, triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên để xây dựng một thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tính năng quân sự. Hải Vân Quan với những thành tố kiến trúc chính: vòng tường thành dài khoảng 130m vây quanh con đường thiên lý độc đạo; cộng với những bức tường thành kiên cố chắn ngang đến vách núi; một cổng lớn chắn trên đường phía Nam có biển ngạch đề ba chữ Hán đại tự Hải Vân Quan; một cổng lớn chắn trên đường phía Bắc có biển ngạch đá Thanh khắc các chữ Hán đại tự Thiên hạ đệ nhất hùng quan; một cổng phụ ra vào cho binh lính cùng nhà Trú Sở là nơi cư trú và Võ Khố là nhà kho...; đặc biệt toàn bộ đều nằm trên đỉnh cao. Hải Vân Quan đã phát huy hết sức hiệu quả vai trò chức năng kể từ lúc xây dựng.
Trong giai đoạn 1945 - 1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở đây như một số vọng gác, lô cốt hòng trấn giữ con đường huyết mạch này... đặc biệt là trên đỉnh của hai cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống. Ngày nay, nhiều công trình là dấu tích của các cuộc chiến tranh như lô cốt, tường bao, hào công sự… vẫn còn hiện diện là những đơn nguyên kiến trúc để các nhà chuyên môn xem xét khi tiến hành công tác tu bổ.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: Theo phương án xây dựng, dự án sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đến nền gốc tích thời Nguyễn. Đồng thời tu bổ và phục hồi di tích theo các dấu tích nguyên gốc. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng, trong thời gian tới, Hải Vân quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân hai xứ Thuận - Quảng xưa hay Huế - Đà Nẵng ngày nay.