Hội thảo khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ về chính sách tiền tệ
Quang cảnh buổi Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, với từng giai đoạn, bối cảnh kinh tế khác nhau, chính sách tiền tệ (CSTT) đã vô cùng uyển chuyển, linh hoạt. Giai đoạn 2006 – 2010 khi hội nhập WTO, chúng ta điều hành theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát khi nền kinh tế mới mở cửa, ứng phó với các bất ổn kinh tế vĩ mô, khủng hoảng từ bên ngoài. Tuy nhiên đến giai đoạn 2011 – 2016, đỉnh điểm là khi mức lạm phát năm 2011 ở mức cao 18,13%, CSTT đã thay đổi với mục tiêu tối thượng là chặn ngang dòng xoáy lạm phát, điều chỉnh từng bước giảm lãi suất, trong bối cảnh nợ công lớn, nguồn lực nhà nước hạn chế thì CSTT đóng vai trò chủ đạo trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng. Sự điều hành khéo léo, chủ động của NHNN trong việc sử dụng linh hoạt công cụ của CSTT đã khôi phục lại được niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Trình bày các nội dung chính của đề tài nghiên cứu,TS.Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chủ nhiệm đề tài cho biết, cách tiếp cận và mục tiêu nghiên cứu của đề tài là tạo lập cơ sở khoa học, từ các bằng chứng nghiên cứu thực chứng về từng kênh truyền tải CSTT trong giai đoạn 2006 – 2016 để kiến nghị, đề xuất xây dựng khung khổ điều hành CSTT bám sát thông lệ quốc tế, có khả năng áp dụng cao tại Việt Nam. Đánh giá hiệu lực và hiệu quả các kênh truyền tải, công cụ CSTT đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.
Về phương pháp nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài,TS.Phạm Chí Quang cho biết, cơ chế liên thông lãi suất chính sách với lãi suất thương mại; mô hình VAR giản lược với các biến nội sinh; mô hình hiệu chỉnh sai số ECM; mô hình VARX bao gồm các biến ngoại sinh; kỹ thuật giải lập hồi quy Bootstrapping.
TS.Phạm Chí Quang cho biết thêm, các kết luận khẳng định vai trò kênh truyền dẫn CSTT; tuy nhiên, cần xem xét tác động đồng thời của các kênh truyền dẫn và các biến ngoại sinh hơn là từng kênh riêng lẻ. CSTT không tác động nhiều với tăng trưởng mà chỉ tới lạm phát, theo đó, tỷ giá đóng vai trò quan trọng hơn so với các kênh tín dụng, cung tiền, lãi suất. “Điều hành CSTT chịu tác động lớn từ cú sốc bên trong và bên ngoài nền kinh tế, dựa trên các công cụ phi truyền thống và theo khối lượng là chính (Tín dụng, M1) hơn là công cụ về giá (lãi suất, tỷ giá). Cần tiếp tục vi chỉnh các mô hình hiện hành để nâng cao chất lượng phân tích dự báo”, TS.Phạm Chí Quang nói.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm, thực tiễn điều hành CSTT giai đoạn vừa qua cho thấy việc hiểu được bản chất cơ chế truyền tải CSTT đặc biệt là độ trễ và tốc độ của CSTT đến các chỉ số kinh tế vĩ mô (lạm phát, tăng trưởng, sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số giá chứng khoán…) là chìa khóa để nâng cao hiệu lực thực thi CSTT tại Việt Nam. Đồng thời hiểu được cơ chế truyền tải sẽ giúp chúng ta hiểu được tác động mà công cụ CSTT sẽ tác động tới nền kinh tế, biết được thời gian, đỗ trễ, cách thức mà công cụ CSTT sẽ tác động tới nền kinh tế như thế nào. Một trong những đóng góp quan trọng của Đề tài là đã cung cấp các bằng chứng nghiên cứu thực chứng về hiệu quả, hiệu lực thực thi CSTT qua Cơ chế truyền tải CSTT tại Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2016, từ đó gợi mở việc thiết lập khung khổ điều hành CSTT trong giai đoạn tiếp theo.
Để góp phần định hình quan điểm điều hành CSTT của NHNN trong tương lai, Đề tài đã đưa ra các bằng chứng để trả lời cho vấn đề, câu hỏi rất cấp thiết được đặt ra hiện nay, đó là: Trong điều hành CSTT tại Việt Nam với thực tiễn hiện nay của hệ thống ngân hàng và đặc thù chung của nền kinh tế, điều hành qua tổng cung tiền (Tín dụng, M1, M2) có hiệu lực thực thi cao. Đặc biệt trong bối cảnh NHNN đang nghiên cứu xem xét chuyển dần điều hành CSTT theo thông lệ quốc tế được hầu hết NHTW trên thế giới triển khai – điều hành CSTT theo lạm phát mục tiêu (inflation targeting).