Hơn 733.000 tỷ đồng cho vay tín dụng chính sách xã hội
Tín dụng chính sách chắp cánh ước mơ Phát động Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân” |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội |
Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; các Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Đoàn.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-CT/TW.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 và 3 năm thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn ngân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trong 10 năm qua, đã huy động được 238.338 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị, bình quân tăng trưởng nguồn vốn hằng năm đạt 10,8%.
Với nguồn lực lớn được huy động, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, đáp ứng mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, trong đó nổi bật là giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW đặt ra yêu cầu: Thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù.
Cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 xác định: Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Chính sách xã hội; nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội.