Thị trường tiền tệ 7 tháng ổn định, tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế
Một số tổ chức quốc tế trong các cập nhật mới nhất đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 (AMRO - Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,3%; HSBC nâng lên 6,5%...). Việt Nam nằm trong danh sách những điểm đến tốt nhất thế giới; phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ASEAN và đứng thứ 8 thế giới về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài.
Trong kết quả chung đó, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt để điều tiết tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối, duy trì chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày với khối lượng phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ.
Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, đảm bảo an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Với thanh khoản dồi dào và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn vay đối với nền kinh tế. Tính đến ngày 22/7/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 5,33% so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng VND tăng 5,92%, tín dụng ngoại tệ giảm 8,87% so với cuối năm 2023.
Về điều hành lãi suất, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Các tổ chức tín dụng đã công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay trên trang thông tin điện tử của ngân hàng, bổ sung thông tin tham khảo cho khách hàng khi tiếp cận vốn vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.
Về tỷ giá, cân đối cung cầu ngoại tệ duy trì tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD. Điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.
Bên cạnh việc phát hành tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá, từ ngày 19/4/2024, thực hiện bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để can thiệp thị trường trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng. Đây là biện pháp can thiệp nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt. Trong thời gian tới, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, đảm bảo cân đối nhu cầu của nền kinh tế.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 24/7/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.264 VND/USD, tăng 1,67% so với cuối năm 2023; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 25.372 VND/USD, tăng 4,60% so với cuối năm 2023; tỷ giá niêm yết mua/bán của NHTMCP Ngoại thương ở mức 25.177/25.477 VND/USD, tăng 4,56%/4,33% so với cuối năm 2023.
Tính đến ngày 24/7/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 104,61 điểm, giảm 0,24% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.463 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2024 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,85%.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá có xu hướng tăng chủ yếu do: (i) Thị trường dự kiến Fed sẽ trì hoãn các đợt hạ lãi suất điều hành, đồng USD quốc tế tăng và duy trì ở mức cao; (ii) Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm (lãi suất VND thấp hơn USD); (iii) Nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.
Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân.
Hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện, đã ban hành các Thông tư hướng dẫn việc triển khai các nghiệp vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử. Tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Đến nay, 20 ngân hàng thương mại, 1 Công ty tài chính, 8 Công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tài chính vi mô, Ngân hàng Hợp tác xã… đã hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại. Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 833,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%.