Hướng tới sản xuất thực phẩm bền vững, trách nhiệm
Chứng khoán sáng 14/1: Cổ phiếu sản xuất thực phẩm hồi phục mạnh |
Phát biểu tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng các nước chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh.
Chính vì thế, Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Qua đó thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững mà Việt Nam đã khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.
Theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số vốn sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Dù bị tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và các biến động trên thị trường thế giới, nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 3,36% năm 2022, cao nhất trong những năm gần đây.
"Việt Nam có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm bền vững của thế giới. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với kim ngạch năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD cùng thị trường xuất khẩu đa dạng. Do đó, nếu tự đảm bảo được sự bền vững trong hệ thống lương thực thực phẩm, Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu", ông Thắng chia sẻ.
Việt Nam đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh |
Đóng góp vào thành công của ngành nông nghiệp, cần phải kể đến những doanh nghiệp lớn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, trong số đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời). Tại đại hội cổ đông diễn ra mới đây, Ban lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong năm 2022, tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch với doanh thu thuần cao kỷ lục là 11.897 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản trên 8.700 tỷ đồng.
Có được kết quả trên, theo Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận, Tập đoàn Lộc Trời luôn phát triển các dự án, chương trình và sáng kiến hướng đến phát triển bền vững. "Nếu canh tác nông nghiệp không bền vững thì bà con nông dân bị ảnh hưởng đầu tiên bởi các sản phẩm sẽ có giá thành cao. Còn người tiêu dùng thì không thể nào truy xuất được nguồn gốc để biết rằng mình có ăn thực phẩm an toàn hay không. Đồng thời, điều này cũng gây nguy hiểm cho an ninh lương thực quốc gia. Do đó, sản xuất bền vững là vấn đề cực kỳ quan trọng", ông Thuận chia sẻ.
Về sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, ông Thuận dẫn chứng tại ĐBSCL, 1 hecta lúa đem về cho bà con nông dân trên 1.000 USD lợi nhuận với chi phí đầu tư gần như 100% là vay vốn ngân hàng. Diện tích lúa tại ĐBSCL là 1,7 triệu hecta, một năm diện tích lúa đem lợi nhuận cho bà con nơi đây khoảng 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, dù đất đai tại ĐBSCL thường xuyên bị ngập mặn, nhưng chúng ta có thể chủ động xả lũ và ngăn lũ. "Nếu canh tác không phù hợp, sẽ tạo ra một lượng khí metan rất lớn, nhưng khi đưa nước vào một cách hợp lý và để khô tự nhiên, sẽ giúp giảm lượng khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, sản phẩm rơm rạ bình thường làm nấm, thức ăn cho trâu, bò, nay có thể dùng rơm để tạo ra ga, giúp giảm khí thải ra môi trường", ông Thuận chia sẻ những ví dụ rất cụ thể.
Để góp phần cải tiến canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả trồng lúa, từ năm 2016, Lộc Trời đã bắt đầu đưa vào chương trình trồng lúa carbon thấp. Cho tới thời điểm này, Lộc Trời là công ty duy nhất trên thế giới trồng lúa xanh và dư cacbon để xuất khẩu. Đây là minh chứng cho việc trồng lúa giảm được lượng phát thải cacbon. Hiện nay Lộc Trời có 200 hecta lúa ở Đồng Tháp và An Giang đã đạt được chứng chỉ carbon thấp. Trong tương lai, tập đoàn sẽ áp dụng cách thức canh tác này cho toàn bộ vùng ĐBSCL.
Theo ông Thuận, trồng lúa cacbor thấp sẽ giảm lượng nước, rất thân thiện với môi trường. Đồng thời, canh tác theo tiêu chuẩn SRP giúp bà con an toàn về mặt vật lý có nghĩa là không bị phơi nhiễm hóa chất, không đưa hóa chất vào môi trường sống, không sử dụng lao động trẻ em. Các tiêu chuẩn SRP cho thời điểm này là tiêu chuẩn cao nhất thế giới về đảm bảo an toàn trong sản xuất lúa gạo.
Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực. Bộ đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm, xây dựng Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp.