Huy động vốn của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn?
Ông Trần Minh Hoàng |
Dưới góc nhìn của mình, xin ông cho biết những điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định sửa đổi là gì?
Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có rất nhiều điểm mới, điểm thay đổi bổ sung đáng chú ý. Thứ nhất, điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp: “Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua TPDN phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận”. Theo đánh giá của tôi, điều kiện này sẽ làm hạn chế rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân.
Thứ hai, điều kiện về hồ sơ chào bán bổ sung nhiều giấy tờ về đảm bảo thời gian phân phối, hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu nhằm đảm bảo nhà đầu tư có thêm lớp bảo vệ từ bên thứ ba; hay thông tin cụ thể về tài sản đảm bảo và tính xác thực của các đợt phát hành thông qua sự xác nhận của ngân hàng… Cũng cần lưu ý thêm, đây là lần đầu tiên có quy định về đại diện sở hữu TPDN được đề cập.
Thứ ba, về phương án phát hành trái phiếu yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án phát hành với nhiều nội dung như: Thông tin về doanh nghiệp phát hành; Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư (trong đó nêu cụ thể về tình trạng pháp lý và các rủi ro đầu tư của chương trình, dự án), khoản nợ được cơ cấu (cụ thể giá trị, kỳ hạn của khoản nợ được cơ cấu)... Nhìn chung, các điều kiện quy định cụ thể về phương án phát hành, mục đích phát hành, sẽ khiến cho tổ chức phát hành phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Thứ tư, quy định về giao dịch tập trung tại sở giao dịch. Doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán. Như vậy khi sàn giao dịch tập trung sẽ làm tăng đáng kể thanh khoản thị trường.
Thứ năm, trách nhiệm nhà đầu tư bổ sung tại Điều 8, khoản 2 điểm d, đ, e trong đó ràng buộc rõ hơn trách nhiệm nhà đầu tư với các quyết định đầu tư, giao dịch. Kèm theo đó là các nghĩa vụ về cung cấp đầy đủ thông tin giao dịch. Như vậy, để có một thị trường TPDN bền vững không chỉ là nỗ lực của tổ chức phát hành, tổ chức phân phối mà còn cần nhà đầu tư phải chuyên nghiệp hơn. Đáng chú ý, theo quy định tại Nghị định 65, doanh nghiệp chào bán trái phiếu mới cần công bố bổ sung thông tin về các dư nợ trái phiếu còn đang lưu hành khi phát hành trái phiếu của các đợt mới. Các trái phiếu còn đang có dư nợ cũng cần công bố thông tin theo nghị định mới. Như vậy, các công bố thông tin tới nhà đầu tư sẽ được tăng cường mức độ minh bạch đáng kể.
Nghị định 65 được ban hành, các thành viên thị trường có thể bắt đầu quá trình nghiên cứu, tiến hành chuẩn bị nhằm đảm bảo tuân thủ trong hoạt động chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ. Tôi cho rằng sẽ cần khoảng thời gian ít nhất 6 tháng để các thành viên thị trường thực hiện quá trình này.
Nhiều ý kiến cho rằng: Quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quá chặt; quy định về người đại diện sở hữu trái phiếu là không cần thiết… Ông nhìn nhận như thế nào về các quy định này?
Chúng tôi cho rằng nguyên tắc cơ bản được đặt ra tại Nghị định 65 là hướng doanh nghiệp tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.
Trong giai đoạn tới, thị trường sẽ cần thời gian để làm quen và thích ứng với các quy định mới. Đối với nhà đầu tư, quy định xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp theo “tiêu chuẩn mới” kể cả với các TPDN phát hành theo Nghị định 153 sẽ khiến các nhà đầu tư phải tự nâng cao tiêu chuẩn chuyên nghiệp, không chỉ qua các tiêu chuẩn định tính mà còn thể hiện tuân thủ điều khoản về trách nhiệm nhà đầu tư.
Đối với tổ chức phát hành, sự tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý mới đồng nghĩa các yêu cầu minh bạch thông tin sẽ được đưa ra theo cả chiều rộng và chiều sâu. Cùng với đó, để hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững không thể thiếu đóng góp của tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành đại lý phân phối, cơ quan quản lý, giám sát…
Trong giai đoạn chuyển tiếp, thị trường có thể sẽ trầm lắng nhất định; tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng các quy định được đưa ra tại Nghị định 65 là hoàn toàn cần thiết đối với sự phát triển bền vững cho thị trường trong trung dài hạn
Theo ông Nghị định 65 sẽ tạo thuận lợi và khó khăn gì cho doanh nghiệp phát hành, trái chủ và cơ quan quản lý?
Theo tôi những thay đổi đáng kể khung pháp lý trên thị trường TPDN với nhiều điều kiện chặt chẽ hơn sẽ làm giảm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp thông qua kênh TPDN. Thanh khoản trên thị trường TPDN sẽ không có nhiều thay đổi ít nhất cho tới khi hệ thống giao dịch TPDN tập trung được đưa vào vận hành, dự kiến trong nửa sau năm 2023.
Như vậy, có thể thấy mục tiêu phát triển thị trường vốn thông qua kênh TPDN vẫn sẽ gặp không ít thử thách trong thời gian tới. Tuy vậy, tôi cho rằng những quy định chặt chẽ về khung khổ pháp lý là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường. Doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư cần đảm bảo tuân thủ pháp luật trên thị trường TPDN. Cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát tuân thủ các thành viên thị trường.
Xin cảm ơn ông!