Kết nối để kích hoạt tín dụng nông nghiệp đô thị
Nâng cánh cho nông nghiệp công nghệ cao | |
Gói 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp CNC bắt đầu kích hoạt | |
Ngân hàng sẵn sàng nhập cuộc |
Ngày 5/12, Đoàn công tác của NHNN đã làm việc với các TCTD ở TP.HCM và đại diện các DN đang đầu tư tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (KNNCNC) TP.HCM.
Cởi nút thắt tài sản thế chấp
Theo ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 10/2017 dư nợ cho vay đối với các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn đạt 2.398 tỷ đồng (theo Quyết định 813 của Chính phủ) với 28 khách hàng vay vốn, chiếm 27,8% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Trong đó, cho vay ngắn hạn đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, cho vay trung - dài hạn đạt khoảng 596 tỷ đồng. Mức dư nợ như trên có thể xem là một tín hiệu khá tích cực và đáng khích lệ. Hiện nay khi cho vay vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hầu như các NH đều phải tính toán rất kỹ lưỡng, chia sẻ những khó khăn về tài sản thế chấp mà hầu hết các DN đều gặp phải.
Cụ thể, để đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nguồn vốn ban đầu của DN được tập trung hầu hết vào các tài sản gắn liền trên đất nông nghiệp (như nhà kính, nhà lưới, kho bãi, hệ thống bơm tưới…) nhưng do chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nên không thể mang thế chấp. Các NH vì thế phải tính đến các phương án hỗ trợ cho vay dựa vào nguồn thu, dòng tiền mà DN mang lại từ thương mại sản phẩm.
Ngành Ngân hàng luôn coi nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên cho vay vốn |
Ông Từ Minh Thiện, Trưởng ban Quản lý KNNCNC TP.HCM thừa nhận điều này khi chia sẻ, hầu hết các DN đều gặp khó khăn về vốn dài hạn. Bởi khi vào thuê đất tại KNNCNC, ban đầu một số DN mong muốn trả tiền thuê đất một lần để có thể dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm thế chấp vay vốn. Tuy nhiên, do cơ quan thuế tính giá trị thuê đất cao hơn nhiều so với giá trị thuê đất nông nghiệp bên ngoài nên các DN buộc phải trả tiền thuê đất theo từng năm, và không thể dùng quyền sử dụng đất để thế chấp. Do vậy, hầu hết các DN chỉ còn trông chờ các NH tính toán giá trị tài sản đầu tư trên đất để có thể thế chấp vay vốn.
Thông tin về vấn đề này, ông Trần Văn Tần - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN - cho biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017 trong đó công nhận giá trị các tài sản gắn liền với đất nông nghiệp. Hiện chỉ còn chờ bộ này đưa ra các hướng dẫn cụ thể là có thể triển khai được. Do vậy nếu các DN tại KNNCNC đang vướng mắc về thế chấp vay vốn thì có thể tìm hiểu và kết nối với các NHTM để cùng hợp tác, tháo gỡ nút thắt lớn nhất này.
Phát triển cho vay theo dòng tiền
Theo đề xuất của các DN tại KNNCNC TP.HCM, trên địa bàn do có số lượng dân cư lớn, thị trường tiêu thụ rất mạnh, nên nguồn đầu ra cho các loại nông sản công nghệ cao không quá khó khăn. Hầu hết các sản phẩm nông sản công nghệ cao của các DN tại KNNCNC làm ra đều không đủ để phân phối. Do vậy các NHTM nên tính toán đến việc kết hợp với các đầu mối tiêu thụ lớn như Big C, Saigon Co.op để thực hiện hình thức bao thanh toán. DN sẽ vay vốn tín chấp dựa trên các khoản phải thu, trong khi đó NH sẽ nắm dòng tiền của DN thu lại từ bán sản phẩm cho các đơn vị phân phối.
Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nấm dược liệu cho rằng: cách làm này là rất phù hợp, đơn vị đã có lần đặt vấn đề với Saigon Co.op và BIDV. Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh ở chỗ các đơn vị phân phối lớn họ lo ngại lộ các thông tin về bí mật kinh doanh vì thế chưa hợp tác được. Chính vì thế các NHTM cần tính toán xem nếu có thể thì tạo ra các quy định về bảo mật thông tin bí mật kinh doanh để triển khai và nhân rộng hình thức cho vay tín chấp dựa trên dòng tiền phải thu của DN.
Ghi nhận những góp ý, ông Trần Văn Tần cho rằng, về mặt chính sách, NHNN luôn xem lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên cho vay vốn. Vì thế lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung hiện chỉ ở mức 6-6,5%/năm (theo Nghị định 55). Hiện nay cơ chế cũng đã cho phép các NHTM thực hiện hoạt động cho vay tín chấp dựa theo phương án kinh doanh. Các DN có phương án tốt, có nguồn thu thường xuyên các NH được phép cho vay tín chấp lên tới 70-80% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, điều quan trọng là các DN và các NHTM phải có sự kết nối, gắn bó, chia sẻ với nhau. DN cần cung cấp thông tin cụ thể, cởi mở với NH về phương án kinh doanh, về tiềm năng dòng tiền thu về của mình thì các TCTD mới mạnh dạn đồng hành.
Theo ông Tần, trong một chừng mực nhất định, hiện nay NHNN vẫn có thể hỗ trợ các NHTM bằng cách không tính phần cho vay trung, dài hạn đối với các DN nông nghiệp công nghệ cao vào tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để các NH dễ dàng cân đối hơn trong việc cho vay của mình. “Nhưng, bản thân các DN cũng phải hết sức “sòng phẳng”. Nếu cần vốn dài hạn để đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới thì phải “thành thật” với NH để cùng nhau hợp tác chứ nếu DN vay ngắn hạn rồi lại dùng vốn để đầu tư thì rủi ro tiềm ẩn sẽ rất lớn” - ông Tần nói.
TP.HCM cấp bù lãi suất đến 100% TP.HCM là địa phương có nguồn ngân sách lớn nên từ nhiều năm qua đã tạo lập một nền tảng nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá tốt từ hình thức dùng ngân sách hỗ trợ lãi suất. Theo Quyết định 04 của UBND TP.HCM, hình thức hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là UBND TP.HCM lấy lãi suất tiết kiệm 12 tháng của bình quân 4 NHTM Nhà nước làm căn cứ tính lãi. Nếu lãi suất tiết kiệm là 8%/năm mà người vay vốn lãi suất 10%/năm để phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì người vay chỉ phải thực trả có 2%. Nhiều DN có phương án tốt vay vốn với lãi suất 8%/năm thì kể như UBND TP.HCM đã cấp bù lãi suất 100%. Đ.Hải |