Ngân hàng sẵn sàng nhập cuộc
Gỡ vướng cho tín dụng nông nghiệp công nghệ cao | |
Gói tín dụng nào cũng phải hiệu quả | |
Gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao không phải là ngân sách cấp bù |
Ông Nguyễn Quốc Hùng |
Thực tế, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 55 (sửa đổi Nghị định 41) về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, ngày 22/7/2015, NHNN đã ban hành Thông tư số 10 hướng dẫn cho vay lĩnh vực NNNT, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách tín dụng ưu đãi cho các DN và nông dân tham gia vào chuỗi nông nghiệp sạch, có ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như Agribank và một số NH khác tập trung cho vay đối tượng khách hàng này, đến nay dư nợ cho vay đã đạt được 3.700 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay thấp hơn so với thông thường, các NHTM có băn khoăn về vấn đề này?
Phải khẳng định rằng, chủ trương trên hoàn toàn đúng nên ngành NH cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của mình. Sau yêu cầu của Thủ tướng, NHNN đã mời một số TCTD lên làm việc họp bàn về vấn đề này. Hầu hết các NH đều hưởng ứng chủ trương của Chính phủ. Đến thời điểm này, con số đăng ký đã lên trên 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Agribank đăng ký cho vay 50 nghìn tỷ đồng, LienVietPostbank 10 nghìn tỷ đồng…
Điều kiện cho vay có được NHTM “ưu đãi” không, thưa ông?
Phải thấy, đây là chương trình tín dụng thương mại, không có sự hỗ trợ của Nhà nước xét ở góc độ cấp bù lãi suất. Theo đó, mức lãi suất hỗ trợ từ 0,5% - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường là hoàn toàn từ nguồn chi phí của các NH. Vì là cho vay thương mại, nên các NH sẽ vẫn tiến hành thẩm định theo đúng quy định của NH, pháp luật như các đối tượng khác như phải có phương án kinh doanh khả thi, thực sự hiệu quả… đảm bảo an toàn cho hoạt động, lợi nhuận cho NH.
Theo ông để triển khai thành công chương trình, các điều kiện cần và đủ ở đây là gì?
Tôi cho rằng, muốn làm được cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các ngành liên quan như ngoài NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ khác như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp… cũng cần nhập cuộc. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp.
Điều 15 Nghị định 55 cũng đã quy định rõ đối với khách hàng trên. Như vậy, các DN sản xuất ứng dụng CNC đáp ứng quy định tại Quyết định 738 và Nghị định 55 sẽ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi trên.
Một điểm đáng lưu ý là mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 39 quy định mới hoạt động cho vay các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Căn cứ vào những thay đổi trên, NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp trình Chính phủ xem xét sửa đổi cho phù hợp làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư NNCNC dễ dàng tiếp cận vốn.
Ngoài ra, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ những vướng mắc pháp lý về tài sản bảo đảm trên đất nông nghiệp. Đơn cử như tài sản là nhà kính, nhà lưới để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN tiếp cận vốn.
Bên cạnh tính toán chi phí đầu vào, vấn đề cũng rất quan trọng là đầu ra cho các sản phẩm NNCNC ra sao. Ứng dụng NNCNC đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đầu tư lớn, nên giá thành sản phẩm nông nghiệp sạch thường cao.
Nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được chắc chắn ảnh hưởng không chỉ đến DN mà để lại rủi ro cho cả NH. Để giải quyết tốt nhất đầu ra cho sản phẩm NNCNC, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng trong việc kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nói chung, DN ứng dụng CNC nói riêng. NH hiện tại rất đồng thuận về chủ trương, vấn đề chỉ là tìm dự án hiệu quả để rót vốn vào.
Xin cảm ơn ông!