Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thành nhiệm vụ chung
TP. Hồ Chí Minh: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là điểm sáng Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa công bố một gói tín dụng trị giá hơn 509.000 tỷ đồng do 17 TCTD đăng ký cho vay trong Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024.
Khôi phục sản xuất kinh doanh
Bà Võ Thị Bích Hạnh, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), người thường xuyên tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh không giấu được niềm vui khi dây chuyền sản xuất trị giá ban đầu khoảng 1 tỷ đồng này nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Củ Chi về việc tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố, đồng thời được sự hỗ trợ vốn vay từ Agribank chi nhánh Củ Chi, cơ sở từng bước nâng cấp quy mô, đầu tư hệ thống sản xuất bánh tráng, giá trị lên đến 8 tỷ đồng với công suất khoảng 6 tấn/ngày.
10 chi nhánh Agribank vừa cam kết cho vay hơn 1.700 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đối với hơn 383 khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh |
Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nguồn lợi nhuận từ dự án hỗ trợ lãi suất và nguồn vốn tự có, cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh đã mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh tráng với hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời trị giá 11 tỷ đồng, công suất bình quân đạt 9 tấn/ngày, dây chuyền mới đầu tư đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ cao cấp.
Để có hệ thống máy đạt năng suất tối đa, cho ra sản phẩm kịp thời đáp ứng các đơn đặt hàng, cơ sở đã được Agribank Chi nhánh Củ Chi đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn lưu động để phục vụ sản xuất với hạn mức là 15 tỷ đồng. Trong quá trình vay vốn, cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh cũng đã được Agribank Chi nhánh Củ Chi hỗ trợ nhiệt tình từ khâu vay vốn, giải ngân, điều chỉnh giảm lãi suất trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Thị trường tiêu thụ của bánh tráng Thành Danh hiện nay trong nước chiếm 50% và 50% tiêu thụ tại Mỹ và Pháp. Doanh thu hàng tháng đạt trung bình khoảng 9 - 10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 - 50 lao động địa phương với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, gói tín dụng trên 509.000 tỷ đồng sau 2 tháng đầu năm 2024 đã giải ngân được 51.754 tỷ đồng cho 15.390 khách hàng, so với quy mô gói tín dụng, số tiền giải ngân chiếm 10,2%. |
Một trường hợp khác cũng được ngân hàng “đồng hành, sẻ chia” là Công ty TNHH đầu tư sản xuất Hà Nam. Ông Trần Tuấn Hùng, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất và phân phối các sản phẩm tôn, thép xây dựng, mấy năm qua chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hết dịch bệnh thì một số nơi trên thế giới xảy ra xung đột và suy thoái kinh tế làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong suốt quá trình đó, doanh nghiệp được Agribank đồng hành và dành cho những gói vay phù hợp với nhu cầu, nhận được sự hỗ trợ lãi suất của ngân hàng và đã từng bước ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh. Hiện tại, kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tiếp tục quan tâm hỗ trợ lãi suất để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Lê Tấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kho gạo Sài Gòn thì cho biết, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp gạo cho thành phố và các tỉnh lân cận, ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời có đủ vốn kinh doanh với lãi suất phù hợp. Theo vị đại diện doanh nghiệp này, quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau là rất quan trọng. Việc doanh nghiệp phối hợp với ngân hàng không chỉ giúp doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án kinh doanh mà còn nhiều hỗ trợ lớn lao khác để phát triển.
“Việc được hưởng lãi suất ưu đãi đối với những dự án trong kế hoạch kinh doanh của công ty thời gian qua không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra cơ hội mới để thêm nguồn lực đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh”, ông Đạt nói.
Kết nối gắn liền với thực thi chính sách
Ông Lê Đình Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh cho biết, các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thời gian qua đã tạo điều kiện cho lãnh đạo địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường liên kết, kết nối giữa NHTM và doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Những khó khăn đã được doanh nghiệp đưa ra thảo luận và được chính quyền địa phương giải đáp trực tiếp tại hội nghị kết nối. Những ý kiến phản hồi, góp ý, hiến kế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là nguồn tư liệu quan trọng để huyện có cơ sở nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ quan cấp trên xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép.
“Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là một chương trình hết sức cần thiết và ý nghĩa để chính quyền và ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khơi thông tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh”, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi nói và cho biết thêm: Thông qua chương trình, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, qua đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, tự hoàn thiện để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trên địa bàn theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là một trong 51 chương trình đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó giao cho ngành Ngân hàng thành phố phối hợp với Sở Công Thương xây dựng và tổ chức thực hiện. Kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện chương trình đã khẳng định sự đúng đắn, tính nhân văn của một chủ trương lớn về hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn để vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định và phát triển.
Cũng theo ông Lệnh, chương trình kết nối không chỉ dừng lại ở việc ký kết cho vay, hỗ trợ vốn vay, điểm cơ bản làm cho chương trình gắn liền với việc thực thi chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN. Theo đó, tất cả các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, từ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp giữ nguyên nhóm nợ, giải ngân gói tín dụng ưu đãi, cho vay mới lãi suất thấp, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, NHNN và UBND thành phố đều được thực hiện tại mỗi hội nghị trên địa bàn các quận, huyện. Điểm tạo ra sự khác biệt và trở thành động lực để làm chương trình này là chương trình đã trở thành nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng, Sở Công Thương và chính quyền các quận, huyện trên địa bàn thành phố.