Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam
Trong thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, các TCTD trên địa bàn đã tích cực vào cuộc, chủ động tìm kiếm các DN có nhu cầu vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh khả thi để thực hiện các chương trình cho vay.
Ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng giữa NH và DN ở Quảng Nam
Theo bà Nguyễn Thị Sương Thu, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam, các TCTD trên địa bàn đã mở rộng tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp để mở rộng sản xuất, những DN có tài chính tốt có thể vay với lãi suất 6 - 7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức thấp (7 - 8%/năm); lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 8 - 11,5%/năm.
Thực hiện việc thí điểm theo mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hiện có 3 chi nhánh NHTM cam kết tài trợ vốn cho 2 dự án theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Công ty CP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam và Công ty CP Fococev Quảng Nam với lãi suất 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn. Ông Nguyễn Bá Chinh, Giám đốc Công ty CP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam cho biết, việc NH cho vay sản chuỗi xuất nông nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người dân địa phương…
Trong đợt kết nối lần này, có 7 chi nhánh NHTM tổ chức ký kết tài trợ tín dụng với 14 DN, có tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, ký mới hợp đồng tín dụng 830 tỷ đồng với 8 DN, điều chỉnh giảm lãi suất hơn 51 tỷ…
Tuy nguồn vốn của các NH trên địa bàn đã sẵn sàng, nhưng thực tế khả năng hấp thụ vốn của DN còn rất thấp. Khó khăn nhất hiện nay của các DN ở Quảng Nam là sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn. Bên cạnh đó, một số DN vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn do không đáp ứng được các tiêu chuẩn cho vay theo quy định của NH, nợ xấu hay không đủ tài sản thế chấp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 59 DN giải thể và 163 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. So với cùng kỳ, số DN đăng ký thành lập giảm 11%, DN ngừng hoạt động sản xuất tăng 90%...
Trước những khó trên của các DN, ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh NH trên địa bàn còn thấp, đặc biệt mức tăng trưởng trong những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, DNNVV… còn hạn chế.
Địa phương đang rất kỳ vọng vào sự phát triển của DNNVV nên NH cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ họ mở rộng tăng trưởng sản xuất. Những DN có khó khăn nhất thời thì NH cần xem xét và hỗ trợ cung cấp tín dụng cho họ vượt qua khó khăn trong hiện tại và tập trung vốn cho những công trình, dự án kinh tế lớn phát huy hiệu quả…
Tiếp tục tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, đồng thời giúp NH đẩy nhanh và đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng hiệu quả… trong thời gian tới, NHNN chi nhánh Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội DN tỉnh và các ngành liên quan tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu vay vốn và những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay của các DN trên địa bàn. Từ đó, tìm phương án cụ thể hỗ trợ DN tiếp cận được với nguồn vốn NH một cách hiệu quả nhất…
Nghi Lộc