Khách hàng vẫn chọn ngân hàng gửi tiền
Tuần qua, các NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Hôm 8/10/2020 VPBank đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới với các mức lãi suất giảm mạnh ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Trước đó, ngày 1/10, sau khi NHNN công bố giảm các mức lãi suất điều hành và quy định trần lãi suất huy động áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; kỳ hạn 1-6 tháng giảm về 4,0%/năm…; VPBank cùng nhiều NHTM khác đã lập tức áp dụng ngay biểu lãi suất huy động mới. Như vậy chỉ trong vòng hơn một tuần, ngân hàng này đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Ảnh minh họa |
Trước đây lãi suất huy động ở các NHTM Nhà nước và khối NHTMCP lớn thường thấp hơn so với lãi suất huy động của ngân hàng nhỏ. Nhưng hiện mức chênh lệch giữa hai khối này không nhiều. Mặt bằng lãi suất huy động hiện đã ở mức rất thấp. Lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện ở mức 0,10%/năm, cao nhất 7,25%/năm (kỳ hạn 15 tháng đến 60 tháng).
Mọi năm, cứ đầu quý IV là các ngân hàng bắt đầu tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại, kéo dài cho đến tận qua Tết Nguyên đán, nhằm tăng huy động nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng thường tăng đột biến vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên năm nay có khác. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp trên thế giới; trong nước, tuy chúng ta đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh nhưng các chuỗi cung ứng thế giới đứt gãy; cầu hàng hóa, tiêu dùng giảm sút khiến sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề ngưng trệ… khiến cầu tín dụng giảm mạnh. Mặc dù các TCTD đã, đang rất nỗ lực hỗ trợ khách hàng, từ miễn giảm phí dịch vụ đến các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi chưa từng có liên tục được triển khai, nhưng đến hết tháng 9/2020, tín dụng chỉ tăng ở mức 6,09%; trong khi huy động vốn tăng 7,7%.
Dư vốn khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và các ngân hàng đang đẩy mạnh mua vào trái phiếu. Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 9/2020, HNX đã tổ chức 22 đợt đấu thầu, huy động được tổng cộng 60.141 tỷ đồng trái phiếu, tăng 163% so với tháng trước. Trong đó 100% trái phiếu huy động được do Kho bạc Nhà nước phát hành. Tỷ lệ trúng thầu thành công tháng 9/2020 đạt tới 98%, khối lượng đặt thầu gấp 3,5 lần khối lượng gọi thầu.
Tuy cầu tín dụng bắt đầu cải thiện, (dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ vào khoảng 9-10%) nhưng nói chuyện tăng huy động vốn lúc này có vẻ không thích hợp. Song, nhìn xa hơn thì dù muốn hay không thế giới cũng phải sống trong điều kiện bình thường mới. Các nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần của con người vẫn cần được đáp ứng. Do đó, việc sản xuất kinh doanh không thể mãi ngừng trệ. Hệ thống ngân hàng vẫn phải đảm đương tốt vai trò đi vay để cho vay. Vì vậy huy động vốn vẫn là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng. Về phía mình, người gửi tiền nghĩ gì?
Bà Hội (Quận Đống Đa - Hà Nội) - một cán bộ về hưu nhưng có nhà mặt phố cho thuê nên tổng thu nhập mỗi tháng không ít. Bà kể, có đứa cháu làm ở BIDV, “lãi suất ngân hàng bây giờ thấp nhưng tôi vẫn gửi vì cũng chẳng biết kinh doanh gì. Mà mỗi lần đến ngân hàng lại có thể “buôn chuyện” với đứa cháu”.
Chị An – phụ trách mảng kinh doanh chất tẩy rửa của một siêu thị và kinh doanh thêm bên ngoài, thu nhập hàng tháng cũng ở mức có dư. Chị vừa bán lô trái phiếu doanh nghiệp, nhận về cả trăm triệu đồng, nhưng vẫn đang “treo” ở tài khoản thanh toán. Bởi “lãi suất thấp quá, có kỳ hạn hay không kỳ hạn cũng chẳng chênh lệch nhiều, cứ để tiền ở ngân hàng cho an toàn rồi tính sau”.
Chị Nga – có cửa hàng tạp hóa tại nhà. Vừa bán hàng vừa xem ti vi, lướt web nên tỏ ra khá rành tin tức thời sự: Thủ tướng nói vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế nên tình hình sẽ dần được cải thiện hơn. Tôi để sẵn một khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn ở ngân hàng để phòng cuối năm cần nhập nhiều hàng về bán. “Tiền tích lũy tôi gửi ngân hàng CB, lãi suất cao hơn hẳn các ngân hàng khác”.
Đó là những gì người viết bài này “biên tập” lại khi một nhóm các bà, các cô cùng khu phố “buôn dưa” ở quán cà phê với nhau, bình luận về ngân hàng bên kia đường vừa trưng ra cái bảng lãi suất huy động mới.
Lãnh đạo một NHTM lớn cho biết, lãi suất huy động thấp, trong khi các kênh đầu tư khác lại đang khá hấp dẫn nên việc giữ khách hàng gửi tiền ở lại không dễ. Nếu chúng tôi không giữ được khối lượng và số lượng khách hàng gửi tiền nhất định, ngân hàng sẽ gặp khó khi cầu tín dụng tăng trở lại. Và một khách hàng thường không chỉ gửi tiền mà họ có thể sẽ sử dụng thêm các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng.