Khánh Hòa: Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng
Những tín hiệu tích cực
Theo ông Đỗ Trọng Thảo, Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hoà, trong 10 tháng năm 2023, chi nhánh đã liên tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng.
Ngành Ngân hàng đặc biệt chú trọng đến các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 20/5/2022, chương trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP (gói tín dụng 120.000 tỷ đồng), chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gói tín dụng 15.000 tỷ đồng); chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55) của Chính phủ và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN...
Sự quyết liệt triển khai các chương trình cho vay đối với khách hàng của ngành Ngân hàng tỉnh Khánh Hoà đã mang lại những tín hiệu tích cực |
Ông Thảo cho rằng, với sự quyết liệt triển khai các chương trình cho vay đối với khách hàng của ngành Ngân hàng tỉnh Khánh Hoà đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa những tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, với các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,17%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,7%; doanh thu du lịch 154,8% với số lượt khách quốc tế tăng gấp 9,7 lần; thu nội địa đạt 9.839,3 tỷ đồng, đạt 73,1% dự toán và bằng 103% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tăng 7,3%… Cùng đó, các chính sách, chế độ về an sinh xã hội, giải quyết việc làm; dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt được tiếp tục quan tâm thực hiện kịp thời. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng.
Đến cuối tháng 10/2023, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 123.740 tỷ đồng, so với đầu năm 2023 tăng 10.081 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng trưởng 8,87%. Doanh số cho vay 10 tháng đầu năm đạt 142.090 tỷ đồng, tăng 9,65% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp khoảng 56.904 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,94% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, so với đầu năm tăng 5.074 tỷ đồng với 8,92%.
Một số doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo NHNN chi nhánh Khánh Hòa, UBND huyện Vạn Ninh và các TCTD tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói vay có lãi suất ưu đãi |
Riêng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện Vạn Ninh khoảng 4.109 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,32% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, so với đầu năm tăng 357 tỷ đồng, với 9,51%; tốc độ tăng trưởng nhanh hơn toàn địa bàn. Trên địa bàn huyện Vạn Ninh, có 1 chi nhánh Agribank Vạn Ninh và 12 phòng giao dịch (thuộc 10 chi nhánh TCTD). Với mạng lưới ngân hàng phát triển đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp huyện Vạn Ninh, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo NHNN chi nhánh Khánh Hòa, UBND huyện Vạn Ninh và các TCTD tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói vay có lãi suất ưu đãi, thẩm định tài sản bảo đảm và triển khai thủ tục vay nhanh hơn
Đơn cử như, bà Huỳnh Yến Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Vanagar Trầm Thiên Hương (Vạn Ninh) cho rằng, doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất nhang trầm hương nguyên chất để phục vụ dịp lễ, Tết nên cần số vốn khoảng 3 tỷ đồng. Vậy nên, doanh nghiệp mong muốn được ngân hàng ký kết hợp đồng tín dụng, với mức lãi suất ưu đãi và thủ tục vay nhanh gọn, thuận lợi.
Hội nghị kết nối ó 5 ngân hàng ký hợp đồng tín dụng hoặc cam kết hỗ trợ hơn 107 tỷ đồng vốn vay cho 17 hộ kinh doanh và doanh nghiệp. |
Còn ông Trịnh Chí Huy, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào FLY (Vạn Ninh) cho biết, doanh nghiệp đang cần nguồn vốn trên 5 tỷ đồng để đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường và triển khai các chương trình khuyến mại dịp cuối năm. Thời gian qua, doanh nghiệp được ngân hàng hỗ trợ tốt, nhưng gói đang vay có lãi suất khá cao. Theo tìm hiểu được biết, Chính phủ, NHNN đang có những chính sách ưu đãi về lãi suất, được vay của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác nên mong muốn tìm được gói vay phù hợp để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại hội nghị kết nối lần này, có 5 ngân hàng bao gồm Agribank Vạn Ninh, Sacombank Ninh Hòa (PGD Vạn Ninh), Nam A bank Nha Trang (PGD Vạn Ninh), LPbank (PGD Vạn Ninh) và Vietbank Khánh Hòa (PGD Vạn Ninh) ký hợp đồng tín dụng hoặc cam kết hỗ trợ hơn 107 tỷ đồng vốn vay cho 17 hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, Công ty TNHH Vanagar Trầm Thiên Hương được vay 2 tỷ đồng, Công ty TNHH Yến sào FLY được vay 7 tỷ đồng.
NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hoà sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, ông Thảo đề nghị UBND huyện Vạn Ninh quan tâm, phối hợp cùng ngành Ngân hàng Khánh Hòa đẩy mạnh kết nối ngân hàng trên địa bàn. Đồng thời, giới thiệu để ngành Ngân hàng được cung ứng vốn cho các dự án đầu tư, doanh nghiệp đang cần vốn trên địa bàn. Cùng đó, NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hoà sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường truyền thông tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thuận lợi tiếp cân vốn ngân hàng.