Khó có phương án tối ưu cho thu hồi đất và định giá đất
Thu hồi 204 ha đất làm đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài Thu hồi đất thực hiện các dự án khu đô thị: Chưa thống nhất về phương án phù hợp |
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết, khoản 32 Điều 79 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án công trình vì mục đích quốc gia công cộng mà không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đại biểu thấy rằng, quy định như dự thảo luật lần này đã phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp, đó là nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và do luật định. Quy định này đã khắc phục tình trạng như trước đây chúng ta thường hay quy định rất chung chung, không rõ ràng, có thể dẫn đến việc tùy nghi quy định, dễ dẫn đến việc lách luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhìn nhận quy định về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… là nội dung rất quan trọng, được cử tri mong chờ, đặc biệt là người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô. Đại biểu đồng tình thực hiện phương án 2, theo đó, cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân.
Về vấn đề thu hồi đất để phát triển du lịch và thu hồi đất tại Điều 79, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và đồng bộ hóa phát triển du lịch kết hợp với thương mại sẽ tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phươngsẽ tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội |
Liên quan đến phương án định giá đất tại Điều 159, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc không sử dụng phương pháp thặng dư trong xác định giá đất cụ thể và bỏ điểm b tại khoản 5 Điều 159 và điểm c tại khoản 6 Điều 159. Về phương pháp thặng dư trên thực tế áp dụng ước tính doanh thu chi phí. Việc tính toán các yếu tố giả định trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn, cùng một thửa đất chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định thì thay đổi kết quả định giá. Đây là nguyên nhân chính gây vướng mắc, chậm trễ trong việc xác định thẩm định quyết định giá đất cụ thể trong thời gian qua và cách hiểu của mỗi người khác nhau trong các hoàn cảnh, thời điểm khác nhau.
“Để tránh rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan định giá, thẩm định giá đất và phê duyệt giá đất, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung tại khoản 5 Điều 162 của dự án luật cần giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết để thực hiện. Chỉ khi có căn cứ pháp lý để chứng minh cho việc đưa ra quyết định định giá thì mới vừa đảm bảo tính khả thi, vừa yên tâm cho người ra quyết định, nếu không, việc sợ sai và tình trạng phát sinh điểm nghẽn vẫn cứ tiếp tục tồn tại”, đại biểu cho hay.
Phát biểu tranh luận với ý kiến đề nghị bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho biết, dự thảo lần này đã quy định những điều kiện, trường hợp cụ thể áp dụng từng phương pháp, do đó, phương pháp thặng dư nên tiếp tục được duy trì để thực hiện những dự án không thể áp dụng phương pháp khác.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) thì đề nghị Ban soạn thảo cần cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi theo hướng làm rõ tổ chức được thực hiện các chức năng vừa nêu là tổ chức công lập hay tổ chức tư nhân. Đồng thời làm rõ nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi tại Điều 91 để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật.