Khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD
Ảnh minh họa |
I. Các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng
1. Khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận
a) Không cho phép bên bảo đảm ủy quyền cho tổ chức tín dụng (TCTD) – Pháp nhân bán tài sản theo cơ chế Hợp đồng ủy quyền
Mặc dù tại Khoản 4 Điều 58 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP) đã quy định “Người xử lý tài sản bảo đảm (sau đây gọi chung là người xử lý tài sản) là bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch bảo đảm có thỏa thuận khác. Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm”.
Nhưng trên thực tế, khi các TCTD - bên nhận bảo đảm thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Hợp đồng bảo đảm đã ký thì các cơ quan chức năng thường yêu cầu phải có sự tham gia của bên bảo đảm hoặc có ủy quyền từ bên bảo đảm.
Tuy nhiên, liên quan đến việc ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên bảo đảm cho ngân hàng, một số cơ quan chức năng (điển hình là cơ quan công chứng, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản…) cho rằng, bên bảo đảm không được ủy quyền cho ngân hàng thực hiện việc bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm vì các lý do:
(i) văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở…) quy định bên bán/chuyển nhượng tài sản phải là chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền; (ii) Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”, như vậy, chủ thể được nhận ủy quyền chỉ có thể là cá nhân.TCTD là một tổ chức có tư cách pháp nhân, nên TCTD không thuộc đối tượng được ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, nội dung ủy quyền để xử lý tài sản bảo đảm, dù được quy định trong hợp đồng bảo đảm hoặc được lập thành văn bản riêng, đã không được một số cơ quan chức năng chấp nhận để thực hiện trên thực tế.
2. Khó khăn khi TCTD đơn phương xử lý tài sản bảo đảm
a) Khó khăn trong việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý
Hiện nay, với sự quá tải của hệ thống Tòa án đối với các hồ sơ khởi kiện thu hồi nợ của các TCTD thì một trong những biện pháp mạnh và hiệu quả đã được pháp luật trao cho các TCTD để thu hồi và xử lý nợ xấu là quyền được tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) với điều kiện là việc thu giữ tài sản bảo đảm này phải được tuân thủ đúng và đầy đủ quy định về việc thông báo trước cho chủ tài sản, UBND và Cơ quan Công an tại địa phương trước khi tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD hầu như không tự thực hiện được trên thực tế bởi có xung đột pháp luật do quyền thu giữ này chỉ được quy định tại một Nghị định của Chính phủ, trong khi đó lại vướng phải nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng, hình thức và nội dung hợp đồng, thủ tục hành chính, trách nhiệm liên quan đến tài sản và giao dịch… được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng,…
Vì thế, quy định cụ thể, rõ ràng dưới đây như tại đoạn 2, Khoản 4, Điều 58 về “Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm” của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) cũng gần như vô nghĩa trên thực tế: “Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm”.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 5, Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP: "Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm".
Trong thực tế, khi TCTD tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm thì chủ tài sản, khách hàng thường chống đối rất quyết liệt, mà nếu không được sự hỗ trợ, phối hợp của Cơ quan Công an và chính quyền địa phương nơi có tài sản bảo đảm thì việc thu giữ hầu như không thực hiện được, chưa kể nếu tiến hành không chặt chẽ về thủ tục, khéo léo trong quá trình thu giữ thì nguy cơ có thể bị khép vào tội xâm phạm chỗ ở của công dân, cưỡng đoạt tài sản.
Trong khi đó, việc đề nghị đại diện UBND và Công an phường, xã nơi có tài sản tham gia hỗ trợ công tác này gặp nhiều khó khăn bởi chưa nắm và hiểu rõ về quy định pháp luật của một số cán bộ công chức tại các cơ quan này.
Mặt khác, theo quy định thì cơ quan Công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bảo đảm bất hợp tác, chây ì, trì hoãn không chuyển giao tài sản bảo đảm. Vì vậy, trên thực tế TCTD rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản hoặc chây ì, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.
Thậm chí đến nay, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017), thì Bộ luật dân sự dường như đã không quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý của TCTD mà theo đó TCTD chỉ còn cách tiến hành việc khởi kiện để xử lý tài sản bảo đảm thông qua con đường thi hành án. Điều này sẽ làm cho quá trình xử lý tài sản của TCTD bị kéo dài, thêm khó khăn và dung túng cho tâm lý “bội tín” của một bộ phận không nhỏ khách hàng.
b) Khó khăn trong việc đăng ký sang tên các tài sản do TCTD tự thu giữ và phát mãi
Đối với tài sản là bất động sản mà TCTD đã tiến hành việc thu giữ theo quy định của Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012), sau khi TCTD tiến hành thủ tục bán đấu giá công khai và bán thành công cho người mua thì một số trường hợp không thể hoàn tất việc sang tên tài sản cho người trúng bán đấu giá do cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật của nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai tại các địa phương chưa thống nhất, nhiều Văn phòng Đăng ký đất đaivẫn yêu cầu TCTD phải có bản án/quyết định của Tòa án hoặc văn bản của Cơ quan Thi hành án thì mới đồng ý sang tên.
3. Khó khăn khi TCTD xử lý tài sản bảo đảm thông qua khởi kiện
a) Về việc xác minh nơi cư trú của bị đơn:
Một trong những thủ tục đầu tiên để làm điều kiện cho Tòa án chấp nhận nhận hồ sơ và tiến hành thụ lý hồ sơ khởi kiện của TCTD là TCTD cần cung cấp cho Tòa án văn bản xác minh nơi cư trú của khách hàng (bên vay, chủ tài sản bảo đảm, bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) của cơ quan Công an có thẩm quyền để làm cơ sở cho việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án cũng như cung cấp địa chỉ để Tòa án tiến hành tống đạt các loại văn bản, giấy tờ trong quá trình tố tụng.
Việc xác minh tình trạng cư trú của công dân là trách nhiệm của cơ quan công an tại địa bàn nơi công dân đó sinh sống, tuy vậy, tại một số nơi, công an các phường/xã không đồng ý xác nhận về nơi cư trú và tình trạng cư trú của khách hàng theo đề nghị của TCTD mà yêu cầu cần phải có văn bản của Tòa án hoặc chính cán bộ Tòa án đến làm việc và đề nghị thì cơ quan Công an mới đồng ý xác minh. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các TCTD khi tiến hành việc khởi kiện khách hàng ra Tòa án.
Ngoài ra, hiện nay, một trong những vướng mắc lớn trong việc xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD là việc khách hàng vay, bên thế chấp bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cố tình giấu địa chỉ nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với TCTD. Khi TCTD khởi kiện khách hàng, bên bảo đảm ra Tòa án, mặc dù trong đơn khởi kiện đã ghi rõ tên, địa chỉ của bị đơn, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng nhiều Tòa án yêu cầu TCTD phải xác minh tình trạng cư trú hiện tại của khách hàng hoặc phải có xác nhận của chính quyền địa phương thì mới thụ lý hồ sơ.
Nếu TCTD không thực hiện được yêu cầu này, Tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện với lý do “Chưa đủ điều kiện khởi kiện” hoặc nếu đã thụ lý vụ án thì Tòa án ra quyết định Đình chỉ giải quyết vụ án. Thực tế, khi xảy ra nợ xấu, trường hợp khách hàng vay cố tình trốn tránh, bỏ đi khỏi nơi cư trú, TCTD không thể liên lạc, xác minh được là rất nhiều.
Mặc dù việc thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung đối với trường hợp bị đơn bỏ trốn khỏi nơi cư trú đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn tại Khoản 6, Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 và được quy định tại Điểm e, Khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 (sau đây gọi tắt là “Bộ luật TTDS 2015”) nhưng nhiều Tòa án địa phương vẫn không xử lý.
Có một giải pháp khác mà các TCTD có thể sử dụng để tiến hành khởi kiện các khách hàng đã bỏ trốn này là đề nghị Toà án tiến hành thụ lý giải quyết việc dân sự để tuyên bố người đó mất tích hoặc thực hiện thủ tục giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú trước, sau đó sẽ thụ lý vụ kiện dân sự và tiến hành niêm yết để xử vắng mặt.
Tuy nhiên, tiến hành theo thủ tục này có Toà án đồng ý thụ lý giải quyết việc dân sự, có Toà án không đồng ý (với lý giải chỉ thực hiện đối với các trường hợp một người muốn đơn phương xin ly hôn mà vợ hoặc chồng của họ đã vắng mặt khỏi nơi cư trú hoặc mất tích, không áp dụng đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại).
Thậm chí, một số Toà sau khi tuyên bố một người vắng mặt khỏi nơi cư trú và thụ lý giải quyết vụ kiện cho TCTD nhưng sau đó lại tiến hành tạm đình chỉ vì không triệu tập được bị đơn/người có quyền và nghĩa vụ liên quan, dẫn đến tình trạng vụ án bị rơi vào bế tắc, không có hướng giải quyết.
Trường hợp bên vay bỏ trốn thì theo quy định của pháp luật và các Hợp đồng đã được ký kết giữa TCTD với bên vay, bên bảo đảm thì TCTD có thể khởi kiện bên bảo lãnh yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (thực hiện nghĩa vụ thay cho bên vay – bên được bảo lãnh), khởi kiện bên bảo đảm để xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ.
Tuy vậy, hiện nay một số Tòa án chấp thuận, một số Tòa án không chấp thuận mà yêu cầu TCTD phải xác minh được Khách hàng vay không có khả năng trả nợ thì mới thụ lý đơn khởi kiện bên bảo lãnh/bên bảo đảm, gây khó khăn cho TCTD dẫn đến việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm không hiệu quả.
b) Về thời gian tố tụng
Theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật TTDS 2015 thì đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại là tranh chấp liên quan đến Hợp đồng tín dụng thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (đối với những vụ án có tính chất phức tạp thì Chánh án Tòa án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng), tuy nhiên trên thực tế nhiều Tòa án không thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử mà BLTTDS quy định (thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các tranh chấp liên quan đến Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay của các TCTD thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm).
Ngay cả khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nhưng do bị đơn vắng mặt không có lý do, Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa thì thời gian hoãn phiên tòa cũng không tuân thủ quy định pháp luật, việc trì hoãn phiên tòa nhiều lần, khiến cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây tốn kém về thời gian và chi phí của TCTD, đồng thời kéo dài thời gian thu nợ khó đòi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của TCTD.
c) Vướng mắc khi hồ sơ đã bán nợ sang VAMC
Một trong những biện pháp xử lý nợ mà các TCTD đang áp dụng rất mạnh tại thời điểm này là bán khoản nợ sang cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp VAMC mua nợ của các TCTD đều là mua bằng trái phiếu đặc biệt, khi đó, TCTD vẫn phải trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và TCTD bán nợ vẫn phải quản lý, xử lý thu hồi nợ theo sự ủy quyền của VAMC và chịu trách nhiệm như chưa bán nợ.
Nhưng khi TCTD muốn tiến hành việc xử lý khoản nợ, xử lý tài sản bảo đảm bằng khởi kiện ra Toà, thì lại gặp vướng mắc, vì Toà án không thụ lý hoặc không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của các TCTD với lý do TCTD đã bán, chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình cho pháp nhân khác, thì làm gì còn quyền khởi kiện?
Nếu VAMC uỷ quyền cho TCTD khởi kiện và tham gia tố tụng, thì TCTD phải tham gia tố tụng với tư cách của VAMC, chứ không được sử dụng tư cách của TCTD, thậm chí, một số Toà án còn căn cứ vào quy định không rõ ràng của Bộ luật Dân sự năm 2005 để gạt bỏ rất vô lý: Pháp nhân này không được phép uỷ quyền cho pháp nhân khác.
Hình thức của đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 189 của Bộ luật TTDS 2015 quy định rằng: “ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
Như vậy, giả sử Tòa án chấp nhận việc pháp nhân VAMC ủy quyền cho pháp nhân là các TCTD tiến hành việc khởi kiện và người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của TCTD sẽ ký đơn khởi kiện nhưng Tòa án sẽ yêu cầu phải đóng dấu của VAMC thay vì đóng dấu của TCTD nếu không Đơn khởi kiện sẽ có nguy cơ không tuân thủ về mặt hình thức theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Khi đó, các TCTD phải liên hệ trình VAMC ký, đóng dấu các loại đơn, văn bản ủy quyền từ VAMC cho các cán bộ xử lý nợ của các TCTD (cá nhân) và xin VAMC cung cấp hồ sơ pháp lý để cung cấp cho Tòa án và tham gia quá trình tố tụng tại Tòa với tư cách người khởi kiện là VAMC.
Quá trình trình ký, đóng dấu, thu thập các tài liệu do VAMC chuyển cho các TCTD như trên thường kéo dài khoảng 1-2 tháng, thậm chí lâu hơn nữa do VAMC bị quá tải vì phải ký đơn, văn bản, đóng dấu cho rất nhiều TCTD, điều này làm cho quá trình khởi kiện ra Tòa án để xử lý các khoản nợ TCTD đã bán cho VAMC lại kéo dài thêm vài tháng.
Khoản 4, Điều 74, Bộ luật TTDS 2015 - “Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng”, quy định: “Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng”. Đây là một trong những điểm mới so với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 nhưng cũng chưa có hướng dẫn, giải thích rõ ràng đối với nội dung này.
Thực tế hiện nay, có một số trường hợp, trước khi khoản nợ được bán sang VAMC, TCTD đã thực hiện thủ tục khởi kiện Khách hàng ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, Tòa đã thụ lý và đang giải quyết vụ án tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Đa số các Thẩm phán đều cho rằng: Trong thời gian Tòa đang giải quyết tranh chấp giữa TCTD với khách hàng, nếu xảy ra sự kiện TCTD bán khoản nợ liên quan đến khách hàng đó cho VAMC thì TCTD mất quyền khởi kiện và phải rút đơn khởi kiện, VAMC phải thực hiện thủ tục nộp lại đơn khởi kiện từ đầu chứ không được tiếp nối các quyền, nghĩa vụ tố tụng của TCTD trong vụ án này.
Việc phải “rút đơn, nộp lại đơn” ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của VAMC do thời gian tố tụng thường kéo dài đến hàng năm, TCTD và khách hàng đã hòa giải được tại tòa hay tòa chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử nhưng có nguy cơ phải thực hiện lại từ đầu do phát sinh sự kiện TCTD bán khoản nợ sang VAMC.
Tuy vậy, đến nay Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa giải thích rõ hơn nội dung của quy định tại Khoản 4 Điều 74 Bộ luật TTDS 2015, cụ thể, đối với trường hợp Tòa đã thụ lý vụ án theo đúng quy định của pháp luật, nếu Tòa đang giải quyết vụ án, TCTD bán khoản nợ liên quan cho VAMC thì VAMC có được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của TCTD không hay VAMC phải khởi kiện lại khách hàng theo một vụ án khác, dẫn đến khá nhiều hồ sơ khởi kiện của TCTD hiện đã được Toà án thụ lý và giải quyết sẽ phải rút lại và sửa lại đơn khởi kiện với tư cách người khởi kiện, nguyên đơn là VAMC làm lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc mà TCTD và chính Toà án đã bỏ ra để giải quyết hồ sơ thời gian trước đó.
4. Khó khăn khi TCTD xử lý tài sản bảo đảm thông qua Thi hành án
Việc thi hành án tại các cơ quan Thi hành án cũng gặp nhiều vướng mắc và khó khăn nên thời gian giải quyết cũng bị kéo dài. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì thời gian tự nguyện Thi hành án được ấn định là 15 (mười lăm) ngày và theo luật Thi hành án mới 2014 thì thời hạn này là 10 (mười) ngày.
Hết thời gian tự nguyện thi hành án này, nếu bên phải thi hành án không tự nguyện Thi hành án thì Cơ quan Thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định, tuy nhiên, trên thực tế, việc kéo dài thời gian cưỡng chế thi hành án diễn ra rất phổ biến, dẫn đến hậu quả là chính bên phải thi hành án (thường là các con nợ của các TCTD) thường có tâm lý khinh nhờn, chây ỳ.
Đối với những vụ việc có nhiều tài sản bảo đảm cho việc thi hành án, hầu hết các Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội đều yêu cầu người được Thi hành án (thường là các TCTD), Tòa án tách phạm vi bảo đảm của từng tài sản bảo đảm thì mới cho thi hành án bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong khi Hợp đồng bảo đảm, Bản án/quyết định của Tòa án đều tuyên mỗi tài sản này đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm.
Đồng thời, tại các Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội, việc bên được Thi hành án, bên phải Thi hành án tự thỏa thuận về việc nộp tiền giải chấp tài sản và rút một phần yêu cầu Thi hành án thường bị các Cơ quan Thi hành án gây khó khăn.
Đến nay, với sự thay đổi của Luật thi hành án dân sự mới, gánh nặng về việc xử lý tài sản bảo đảm còn đè nặng thêm đối với TCTD khi mà đã có bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án được TCTD chuyển Cơ quan Thi hành giải quyết thì gần như đa số trường hợp phải nộp án phí, lệ phí Toà án thay cho khách hàng dù tại bản án/quyết định của Toà án có tuyên nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí Toà án này thuộc về khách hàng.
Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2014 quy định rằng số tiền thi hành án (đang được cơ quan Thi hành án hiểu theo nghĩa rộng là số tiền TCTD thu được sau khi nộp đơn yêu cầu thi hành án và Toà án đã ra quyết định Thi hành án, kể cả chưa có quyết định cưỡng chế kê biên) mà bản án/quyết định của Toà án tuyên cho một nghĩa vụ bảo đảm - rất thường gặp với các TCTD - sẽ phải được ưu tiên thu án phí, lệ phí Toà án trước khi chuyển cho TCTD.
Đến nay, một số trường hợp bên phải thi hành án bỏ trốn hoặc bỏ mặc việc thi hành án, chủ tài sản là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến TCTD nộp tiền để giải chấp tài sản theo thoả thuận với TCTD thì Cơ quan Thi hành án yêu cầu TCTD phải trích số tiền này để nộp thay án phí, lệ phí Toà án trước làm cho số tiền thu nợ của TCTD bị giảm đi.
Ngoài ra, việc cơ quan Thi hành án có thể tiến hành cưỡng chế bàn giao tài sản cho bên trúng bán đấu giá để thu hồi tiền cho các TCTD phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền địa phương và đặc biệt là cơ quan Công an. Chính vì vậy, nếu được sự hỗ trợ, phối hợp nhiệt tình của lực lượng Công an trong công tác cưỡng chế trong thi hành án dân sự thì việc cưỡng chế bàn giao tài sản mới hiệu quả trên thực tế, ngược lại nếu việc cưỡng chế bàn giao tài sản gặp khó khăn thì cơ quan Thi hành án chưa chuyển tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản cho các TCTD – là bên được Thi hành án – dẫn đến việc thu hồi nợ của các TCTD bị kéo dài dù thực tế tài sản bảo đảm đã được xử lý.
II. Một số kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của việc xử lý tài sản bảo đảm
1. Về mặt chính sách và thể chế: Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, các quy định của pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn...) có liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm, hoạt động tín dụng, xử lý nợ của TCTD cần phải được nghiên cứu rà soát tổng thể để bổ sung, chỉnh sửa theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao tính hiệu lực trong thực thi pháp luật. Các quy định của pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu để đảm bảo các quy định của pháp luật được hiểu và được thực thi một cách thống nhất.
Đặc biệt, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi, đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.
2. Về mặt xây dựng pháp luật: Xây dựng các quy định pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phối hợp thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm; Tòa án không được từ chối thụ lý vụ án không có lý do chính đáng; Bảo vệ giao dịch dân sự ngay tình trong trường hợp Hợp đồng bảo đảm giữa khách hàng và TCTD là giao dịch hợp pháp.
3. Các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan công an cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ. Các cơ quan cần phải coi công việc này là trách nhiệm và nhiệm vụ của mình khi nhận được đề nghị của ngân hàng.
4. Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp địa phương (đặc biệt là tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã…) sớm giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng, tín dụng phù hợp với quy định về thủ tục tố tụng và quy định có liên quan khác sau khi thụ lý vụ án.
Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố hướng dẫn Tòa án các cấp giải quyết vụ án trong trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ; xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba khi doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự; Chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố dụng dân sự về thủ tục tố tụng, thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; việc VAMC kế thừa đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn là TCTD trong trường hợp khoản nợ đang được TCTD khởi kiện tại Tòa án nhưng sau đó bán sang cho VAMC.
5. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các địa phương tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của Tòa án và cơ quan thi hành án, theo đó, nếu thấy Tòa án và cơ quan thi hành án cùng cấp vi phạm quy định của pháp luật thì trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân cần có văn bản gửi Tòa án, cơ quan thi hành án cùng cấp yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật hoặc có văn bản kiến nghị cơ quan/người có thẩm quyền giải quyết và có văn bản trả lời ngân hàng khi nhận được đơn thư khiếu nại việc vi phạm pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án.
6. Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ hoặc quy định mới theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Công an trong việc hỗ trợ TCTD thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm và chế tài xử lý nếu bên nắm giữ tài sản (hoặc bên thứ ba) chống đối, cản trở việc TCTD thực hiện thu giữ tài sản làm cơ sở để Cơ quan Công an hỗ trợ hơn nữa cho TCTD trong hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.
7. Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến chỉ đạo để Công an các địa phương hiểu và hỗ trợ cho các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, xác minh tình trạng cư trú của các khách hàng trên địa bàn quản lý làm cơ sơ cho việc khởi kiện khách hàng của TCTD, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thi hành án địa phương trong công tác cưỡng chế thi hành án để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi hành án của Cơ quan thi hành án.
8. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần sớm phối hợp với các TCTD rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án mà chưa được thi hành hoặc đang thi hành dở dang để có kế hoạch chỉ đạo cơ quan thi hành án địa phương đẩy nhanh việc thi hành các vụ án còn tồn đọng, góp phần xử lý tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng.
Tóm lại: Để việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện một cách thuận lợi, nhanh chóng, mang lại lợi ích cho TCTD, bên bảo đảm, khách hàng vay và nền kinh tế thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đồng thời cần sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ.