Khơi dòng tín dụng phục hồi kinh tế
Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam | |
Tăng hạn mức tín dụng: “Liệu cơm gắp mắm” | |
Đa dạng kênh cấp vốn, đẩy lùi tín dụng đen |
Đẩy mạnh vốn ra thị trường
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NHNN được thực hiện gần đây, các TCTD ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I/2022 và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022. Còn theo số liệu thực tế mới nhất từ NHNN, đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng đạt 3,11% so với cuối năm 2021. Mức tăng trưởng trên cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (tăng dưới 1%). Lãnh đạo Vụ chức năng NHNN cho biết, tuy dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, nhưng thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục cải thiện, nhiều tín hiệu lạc quan nhất là khu vực dịch vụ trong đó du lịch, hàng không... có sự hồi phục mạnh mẽ. Nhờ sức cầu vốn tăng, cùng với nỗ lực bơm vốn rẻ, hoạt động tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khá tích cực.
Ghi nhận trên thị trường, hàng loạt các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình vay vốn ưu đãi để cùng với doanh nghiệp chắp nối lại chuỗi cung ứng đứt gãy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua. Như Vietcombank từ 15/3/2022 đến hết ngày 31/3/2023 triển khai chương trình vay ưu đãi “Vốn lớn có nhanh, lãi suất cạnh tranh” quy mô lên tới 49.000 tỷ đồng dành riêng cho khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; lãi suất ưu đãi từ 5,6%-8,3%/năm. BIDV với chương trình ưu đãi tín dụng xuyên suốt năm, quy mô 200.000 tỷ đồng, trong đó 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng) và 5,5%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng. Khách hàng cũng có thể tham gia gói vay 100.000 tỷ đồng trung dài hạn với lãi suất từ 6,2%/năm, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng… Agribank công bố gói tín dụng tiêu dùng trị giá 25.000 tỷ đồng dành cho những khách hàng vượt qua dịch bệnh Covid-19 vay vốn với lãi suất 7,5%/năm qua hình thức phát hành thẻ.
Cân đối mở rộng hạn mức tín dụng cho các NHTM, gia tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp |
Khối các NHTMCP cũng rộn ràng không kém, ABBank dành hạn mức 4.500 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 7,29%/năm trong 12 tháng đầu cho hồ sơ vay kỳ hạn từ 24 tháng trở lên; lãi vay giảm thêm 0,3%/năm nếu khách hàng có mức vay từ 5-10 tỷ đồng và trên 10 tỷ đồng sẽ được giảm thêm 0,5%/năm. SHB ưu đãi lãi suất từ 7%/năm cho khách hàng vay vốn sản xuất - kinh doanh ngắn hạn; 7,79%/năm vay trung dài hạn, tổng hạn mức ưu đãi 6.000 tỷ đồng...
Giới chuyên gia nhìn nhận, ngân hàng là một trong những trụ cột trọng yếu để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình biến động xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, chiều ngày 16/3/2022, NHNN đã có văn bản yêu cầu các NHTM thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. “Các NHTM chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước”, văn bản nêu rõ.
Linh hoạt room tín dụng
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng chia sẻ, thực tế sức bật của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá cao và cầu tiêu dùng đang hồi phục tương đối tốt, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Những tháng tới, chắc chắn cầu vốn của doanh nghiệp còn tiếp tục tăng cao, vì vậy NHNN nên xem xét linh hoạt cân đối việc mở rộng hạn mức tín dụng cho các NHTM, hỗ trợ cho khách hàng và doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, bà Trần Thu Hương - Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, những năm qua NHNN rất linh hoạt trong câu chuyện này, nhằm tối ưu hạn mức tín dụng cấp thêm cho các ngân hàng. Việc nới room sẽ dựa trên độ cải thiện về mặt chỉ số của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2022, NHNN vẫn đưa ra mức room vừa giúp kích hoạt lại sự tăng trưởng nền kinh tế nhưng không gây áp lực lên cung tiền. Song theo bà Hương, rất có thể trong nửa cuối năm 2022 khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng tích cực hơn, trong lần thứ hai NHNN cấp room tín dụng cho các NHTM sẽ ở mức cao hơn năm 2021, đáp ứng kỳ vọng nhu cầu tín dụng dành cho các doanh nghiệp và cá nhân.
Trong chia sẻ mới đây với nhà đầu tư, ông Lưu Trung Thái - CEO của MB cho hay, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho MB tạm thời ở mức 15%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng hiện tại của MB đã vào khoảng 10%, nên ngân hàng này cũng kỳ vọng sẽ được NHNN nới thêm tín dụng thời gian tới.
Chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng của NHNN từ đầu năm là ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế chứ không chốt cứng. Con số là một phần, nhưng cốt yếu hơn là nó cho thấy tính linh hoạt trong sự điều hành của NHNN, để vừa đảm bảo các cân đối vĩ mô, vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Các ngân hàng đáp ứng được các chỉ số an toàn, đảm bảo năng lực tài chính, khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, hiệu quả… chắc chắn sẽ được cân nhắc để có thể nới thêm room tín dụng trong trường hợp cần. Thêm nữa, theo chuyên gia, việc các ngân hàng phân bố room tín dụng được cấp ra sao để dòng vốn này chảy vào các lĩnh vực hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân… mới là chuyện cần quan tâm hơn cả.