Không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp
Tăng học phí cần tránh lạm thu |
Ảnh minh họa |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Dự thảo Thông tư này quy định về quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện (gọi chung là các khoản tài trợ) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho cơ sở giáo dục và đào tạo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động tài trợ cho cơ sở giáo dục và đào tạo.
Theo dự thảo, việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ sở giáo dục chỉ vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị đồ dùng, thiết bị, đồ dùng dạy và học, thiết bị đào tạo và nghiên cứu khoa học, công trình xây dựng, sửa chữa và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục; hỗ trợ các quỹ khuyến học, tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục.
Không tiếp nhận tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy, kinh phí thực hiện hoạt động trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng các bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Hình thức tài trợ
Đối với tài trợ bằng tiền: Nhà tài trợ sẽ chuyển một khoản tiền bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, kim cương, đá quý, kim loại quý trực tiếp cho cơ sở giáo dục hoặc thông qua tài khoản tại Kho bạc nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại.
Đối với tài trợ bằng hiện vật: Nhà tài trợ chuyển giao cho cơ sở giáo dục các hiện vật như sách, vở, quần áo, lương thực, thực phẩm, vật liệu, thiết bị, đồ dùng dạy học, công trình xây dựng và các hiện vật khác có giá trị sử dụng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người học và cơ sở giáo dục.
Đối với hình thức tài trợ bằng công trình, việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo hiểm công trình xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Đối với tài trợ phi vật chất: Nhà tài trợ chuyển giao hoặc cấp quyền sử dụng không thu tiền như bản quyền và quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu trí tuệ như tác phẩm, công trình nghiên cứu, phầm mềm máy tính, sáng chế, giải pháp hữu ích và các sản phẩm khác hoặc đóng góp ngày công lao động, cung cấp dịch vụ đào tạo, tham quan, khảo sát, hội thảo, chuyên gia miễn phí.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.