Không nên dựa quá nhiều vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế
Gỡ điểm nghẽn bất động sản để thúc đẩy kinh tế | |
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và vai trò của doanh nghiệp | |
Để thúc đẩy kinh tế cần mở rộng tài khóa |
Trong những tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, bước đầu tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước. Các NHTW trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Bối cảnh trên đặt ra nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Bà Dương Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 28/4/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng 3,05% so với cuối năm 2022 và tăng 9,78% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp so với mọi năm. Lý giải nguyên nhân, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng tăng chậm do sức hấp thụ vốn thấp. Các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu vốn giảm. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng do sức khoẻ tài chính suy yếu do chịu tác động bởi
Covid-19 nên không đủ điều kiện vay vốn; tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý.
Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam. Khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn trong cho vay, để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.
Theo đánh giá của một số nhà phân tích, sự sụp đổ của SVB và First Republic Bank - hai ngân hàng Mỹ có quy mô tổng tài sản trên 200 tỷ USD- không phải do thua lỗ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ là các ngân hàng này đầu tư vào các tài sản kỳ hạn dài, dễ mất giá trong môi trường lãi suất tăng. Bởi vậy, đối với trường hợp của Việt Nam, Thống đốc cho rằng không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tín dụng dài hạn; mà thay vào đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần thúc đẩy đầu tư công và các nguồn vốn khác để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, cần nhìn nhận rằng, tuy hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh cơ cấu, nhiều ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II và một số đang tiến tới Basel III nhưng thực tế sự phát triển này chưa đồng đều. Nếu tín dụng tăng quá nhanh, rất dễ vượt qua khả năng quản trị của một số ngân hàng, tạo áp lực lớn đến lạm phát và mặt bằng lãi suất, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế. Hơn nữa, khi tỷ lệ tín dụng/GDP cao, sự ổn định của hệ thống tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những biến động về lãi suất.
Không chỉ chuyên gia trong nước, các tổ chức quốc tế cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức rất cao, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%. Còn Moody’s đã nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, nhưng tổ chức này tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP của Việt Nam là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia đồng hạng. Điều đó, đặt ra yêu cầu hỗ trợ nền kinh tế phải đi đôi với thận trọng, bảo đảm chất lượng tín dụng.
Theo chuyên gia, vốn tín dụng từ ngân hàng bản chất là nguồn vốn ngắn hạn, huy động từ dân cư để cho vay. Nhưng tại Việt Nam, vốn từ các nhà băng lại đang đảm nhận phần lớn trọng trách cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có cả vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, tại các quốc gia khác, vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thực chất đến từ thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các kênh dẫn vốn này lại chưa phát triển đúng với vai trò và tiềm năng, còn nhiều vấn đề xảy ra gây mất niềm tin trên thị trường. Từ đó đẩy gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế dồn nhiều về phía tín dụng ngân hàng.
Theo Thống đốc cần phải có giải pháp để khai thác cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Số liệu cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, loại trừ giá tăng 8,3% trong khi 4 tháng năm 2022 chỉ tăng 3,9% (khách quốc tế đến Việt Nam tăng 19,2 lần cùng kỳ năm ngoái). Đây là yếu tố giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian qua và cần được quan tâm khai thác cầu nội địa.
Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh trước mắt dự báo còn rất khó khăn, thách thức, cần có các giải pháp để thúc đẩy các kênh huy động vốn như trái phiếu, cổ phiếu, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh theo hướng tăng tính cạnh tranh, công bằng giữa các thành phần kinh tế.