Kiểm toán nội bộ QTDND: Một số vấn đề đặt ra
Tham dự và chỉ đạo buổi Tọa đàm có đồng chí Đoàn Ngọc Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ; các đồng chí trong Ban lãnh đạo; các Trưởng, Phó phòng chuyên môn nghiệp vụ và toàn thể công chức làm công tác kiểm toán nội bộ của Vụ Kiểm toán nội bộ.
Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thống đốc phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 đã đề ra nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó đã xác định rõ “Cần nâng cao quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành (BĐH), ban kiểm soát (BKS) và một số chức danh khác. Đặc biệt là quy định nhằm hạn chế và kiểm soát chặc chẽ những người có liên quan, huyết thống, họ hàng tham gia HĐQT, BĐH, BKS của QTDND”.
Trên cơ sở đó, năm 2021, NHNN đã ban hành Thông tư số 21 sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND và đã quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh chủ chốt của QTDND.
Để phục vụ tốt cho công tác kiểm toán nội bộ, góp phần tham mưu cho các cấp lãnh đạo có cách nhìn tổng quát mang tính hệ thống, toàn diện, cần phải cập nhật cho công chức làm công tác kiểm toán nội bộ nắm vững những điểm mới, hiểu rõ bản chất các quy định có liên quan đến QTDND một cách thống nhất khi thực hiện kiểm toán, tại buổi Tọa đàm, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia và công chức đã cùng nhau phân tích, đưa ra những ý kiến, cách thức, phương pháp tiếp cận một cách khoa học, bài bản phục vụ cho công tác kiểm toán nội bộ.
Thông qua đó, những ý kiến mà kiểm toán nội bộ đưa ra hoặc tư vấn trong quá trình thực hiện kiểm toán tuân thủ và hoạt động tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ đảm bảo tính đúng đắn, dựa trên những tham chiếu cụ thể các quy định của pháp luật, qua đó gián tiếp phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với QTDND được tốt hơn.
Thực tế trong thời gian qua, hoạt động của QTDND có nơi, có lúc đã có biểu hiện xa rời mục tiêu liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống. Trong quá trình hoạt động đã xuất hiện các vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng, chưa thực hiện triệt để các quy định chuyển tiếp theo quy định của NHNN, vi phạm về số lượng thành viên BKS, tiêu chuẩn, điều kiện HĐQT, BKS, giám đốc; còn có một số lãnh đạo thiếu trách nhiệm hoặc năng lực quản lý điều hành yếu kém dẫn đến bị lợi dụng làm thất thoát tài sản. Điều này cho thấy hệ thống kiểm soát rủi ro tại các QTDND vốn đã yếu lại dễ dàng bị vô hiệu hóa, dẫn đến nguy cơ phải đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Tại buổi Tọa đàm, 3 nhóm vấn đề được lựa chọn để trình bày và thảo luận, gồm: (i) Những thay đổi về tên, địa điểm đặt trụ sở chính, mức vốn điều lệ, nội dung và thời hạn hoạt động, trường hợp tạm ngừng hoạt động kinh doanh; (ii) Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm nhân sự làm chủ tịch và các thành viên khác của HĐQT, trưởng ban và các thành viên khác của BKS, giám đốc QTDND và (iii) Việc chuyển nhượng phần vốn góp của QTDND.
Đồng chí Trần Phú Dũng, Trưởng phòng Kiểm toán tuân thủ và hoạt động - Vụ Kiểm toán nội bộ thuyết trình những nội dung liên quan đến buổi Tọa đàm. |
Sau mỗi nội dung, đồng chí Trần Phú Dũng, Trưởng phòng Kiểm toán tuân thủ và hoạt động của Vụ Kiểm toán nội bộ đã phân tích các khía cạnh về mục tiêu chính sách, các quy định cụ thể trong từng quy định nghiệp vụ, qua đó xác định mục tiêu của quy trình cho cuộc kiểm toán, nhận diện những rủi ro xảy ra và nêu ra thủ tục, phương pháp, cách thức thực hiện lựa chọn hồ sơ kiểm toán.
Thông qua đó, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận, đóng góp thêm ý kiến để hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nội bộ và năng lực phát hiện những rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới.
Đồng chí Đoàn Ngọc Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm. |
Tại buổi Tọa đàm, ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện những nguyên nhân, xác định những rủi ro, hậu quả xảy ra và đề ra những giải pháp ứng phó, khắc phục những lỗ hổng từ cơ chế, chính sách đến nguyên nhân chủ quan của việc không thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định dẫn đến mất an toàn đối với QTDND.
Muốn vậy, công tác kiểm toán nội bộ phải đổi mới và nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, phát hiện và phân tích rủi ro, kỹ năng và phương pháp tốt hơn. Đồng thời cũng nhận định về nội dung trình bày trong buổi Tọa đàm không chỉ đầy đủ về khía cạnh chuyên môn mà còn bao quát những khía cạnh lớn hơn về cơ chế, chính sách, thể hiện được vai trò vòng bảo vệ thứ ba trong công tác quản trị đối với một tổ chức.