Kinh doanh khách sạn đang lao đao
Doanh thu giảm mạnh, phần lớn khách sạn cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động |
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 2/2021, khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 262,5 nghìn lượt, giảm 79,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 20,5 nghìn, giảm 94% so với tháng 2/2020; khách du lịch nội địa ước đạt 242 nghìn lượt khách, giảm 75% so với cùng kỳ. Cũng vì thế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 888 tỷ đồng, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong tháng 2/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 sao - 5 sao ước đạt khoảng 16,1%, giảm 14% so với tháng 1/2021 và giảm 35,2 % so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng loạt khách sạn đang được rao bán trên các trang mua bán bất động sản |
Tình trạng cũng không mấy khả quan hơn tại một số tỉnh thành có du lịch phát triển như Nha Trang, Đà Nẵng… Tại TP.Hồ Chí Minh, công suất phòng lưu trú ở các khách sạn chỉ đạt khoảng 10% từ dịp Tết Nguyên đán đến nay.
Đối mặt với khó khăn kéo dài gần một năm nay vì dịch bệnh, làn sóng rao bán khách sạn đang diễn ra ở hàng loạt địa điểm. Theo khảo sát trên một trang chuyên mua bán bất động sản, mỗi ngày có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, tại đường Võ Nguyên Giáp - tuyến đường được coi là có vị trí đắc địa khi nằm bên cạnh bãi tắm Mỹ Khê, Đà Nẵng, một khách sạn 17 tầng, có diện tích 1382 m2 được rao bán với mức giá hơn 500 tỷ đồng.
Một khách sạn khác với 19 tầng và 135 phòng tại khu vực này cũng đang được rao bán với mức giá hơn 400 tỷ đồng. Tương tự, trên các tuyến đường như Hà Bổng, Trần Bạch Đằng, Hồ Nghinh, Hồ Xuân Hương... nhiều khách sạn cũng đang được rao bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Tại đường Bàu Cát, phường 14, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh, một khách sạn có diện tích 72m2, gồm có 12 phòng được rao bán với giá 14,2 tỷ đồng.
Tình hình cũng tương tự tại Hà Nội, nhất là ở những khu phố cổ, phố cũ trong trung tâm Thủ đô. Đơn cử như một khách sạn 9 tầng với diện tích 130m2 tại phố Lò Sũ - con phố có vị trí đẹp ngay hồ Hoàn Kiếm được rao bán với giá 95 tỷ đồng.
Cách đó không xa, một khách sạn với diện tích hơn 200m2 được quảng cáo mặt tiền rộng, đủ mọi tiện nghi, thiết kế hiện đại rao bán với giá 115 tỷ đồng. Tại Mã Mây - vị trí trung tâm của quận Hoàn Kiếm, ngay cạnh con phố “không ngủ” Tạ Hiện nổi tiếng cũng đang có khách sạn rao bán với giá hơn 100 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thùy Dương, chủ khách sạn đang rao bán tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Để vận hành một khách sạn 3 sao có khoảng vài chục phòng, mỗi tháng tôi phải bỏ ra cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra, khách sạn vắng khách đã gần 1 năm nay. Nhiều giai đoạn phải đóng cửa cả tháng trời, khi mở cửa cũng chỉ lác đác khách đặt phòng. Không còn tiền bù lỗ nên tôi đành chấp nhận bán rẻ hơn bình thường để cắt lỗ”.
Tuy nhiên, theo chị Dương, dù giá đã rẻ hơn nhưng bán khách sạn trong thời điểm này rất khó khăn, do nhà đầu tư cầm chừng, chưa xuống tiền trong giai đoạn dịch bệnh.
Không chỉ chị Dương, theo nhiều chủ khách sạn khác tại phố cổ, dù đã rao bán nhiều tháng trời nhưng vẫn hiếm người hỏi mua. Bình thường, việc bán bất động sản tại các khu đất “vàng” của Hà Nội không mấy gian nan, nhưng hiện tại để bán được khách sạn có giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng là điều thật sự khó khăn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà đầu tư trong giai đoạn này rất thận trọng, đa số là ngồi yên để nghe ngóng thị trường. Tuy nhiên, cũng có một số người tranh thủ lúc giá đang có phần giảm hơn để thu mua. Đối với những khách sạn có vị trí đẹp tại trung tâm thành phố, đầy đủ tiện nghi, có lượng khách ổn định, các chuyên gia cho rằng đây vẫn là một cơ hội đầu tư đáng cân nhắc trong mùa dịch.
Bên cạnh làn sóng rao bán, hàng loạt khách sạn đang cố gắng hoạt động cầm chừng đã đồng loạt giảm giá phòng lên tới 60%. Khảo sát tại một số khách sạn nằm trong phố cổ Hà Nội cho thấy, giá phòng chỉ dao động từ 400 nghìn đồng - 1 triệu đồng/đêm, giá đã giảm từ 50% - 80% so với giai đoạn trước dịch.
Ngoài ra, hầu hết các khách sạn trên địa bàn Hà Nội đã giảm giá đến 50% so với đợt giảm giữa năm 2020, thậm chí có những khách sạn như La Sinfonia del Rey Hotel and Spa (Hàng Dầu) giảm tới 72%; khách sạn Acoustic Hà Nội & Spa giảm tới 83%; khách sạn Daewoo giảm tới 82% chỉ còn 1 triệu đồng/đêm.
Nhận định về triển vọng phục hồi của ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng thị trường năm 2021 dự kiến sẽ tương tự như năm 2020, ít nhất là cho đến khi các hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục trở lại. Trải qua một năm khó khăn, hầu hết các khách sạn đã và đang thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.
Với doanh thu ở mức tối thiểu, ông Gasparotti cho rằng, các khách sạn phải tập trung cân đối các khoản chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động.