Kinh tế cuối năm 2021: Đầu tư công vẫn là “đầu kéo” tăng trưởng
Đầu tư công trung hạn: Từ kế hoạch đến thực thi? | |
Gỡ nút thắt trong đầu tư công trung hạn | |
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trong ngành Ngân hàng năm 2021 |
Tốc độ giải ngân thêm chậm vì COVID-19
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân đạt 398,6 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% kế hoạch vốn được giao.
Vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) giải ngân tính đến 31/7/2021 đạt 169,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch, giảm 40,67% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh một số bộ và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn từ nguồn NSNN cao, vẫn còn 7 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 2 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Một số nguyên nhân lý giải cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được cơ quan này đưa ra bao gồm: Công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia; Vướng mắc trong đầu tư chậm được xử lý như giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số dự án; Một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định…
Đặc biệt, dịch COVID-19 đang xảy ra tại nhiều địa phương cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của các dự án.
Cụ thể, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, trong thời gian này, nhiều dự án, công trình phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động trong phòng chống dịch bệnh cũng như phải thực hiện giãn cách trên công trường.
Điều này khiến cho vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN của 19 địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 7/2021 ước tính đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng vốn và giảm 26,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện của nguồn vốn đầu tư công.
Đầu tư công được đánh giá là động lực tăng trưởng của kinh tế những tháng cuối năm 2021. Ảnh: ST |
Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm nay không như kỳ vọng một phần vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng đến từ việc chậm trễ, không quyết liệt trong hành động của các cơ quan. Về mặt cơ chế, các quy định đưa ra để chống thất thoát hay quyết định đầu tư không hiệu quả và cũng để thúc đẩy tốc độ giải ngân nhanh hơn chứ không phải siết chặt, gây khó dễ.
Tỷ lệ giải ngân trên 90% trong năm 2020 đã chứng minh không phải vướng mắc ở cơ chế mà do tổ chức thực hiện. Đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư tư nhân. Số liệu tính toán cho thấy vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,06%. Chính vì vậy, đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm trong bối cảnh cả xuất khẩu và thu hút nguồn vốn FDI đang bị ảnh hưởng.
Đẩy nhanh giải ngân để hỗ trợ nền kinh tế
Trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo, động lực cho tăng trưởng kinh tế 2021 được dự báo đến từ xuất khẩu và đầu tư công.
Theo VEPR, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do nguồn lực tài khóa hạn hẹp hơn. Do đó, nên tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch, các dự án đầu tư không thiết yếu ở địa phương cần được chấn chỉnh. Tiết kiệm chi thường xuyên là một trong những định hướng quan trọng khi COVID-19 vẫn là một ẩn số.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12/2021. Đồng thời, các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến hết tháng 12/2021, cùng với đó tất toán hết các công trình có nguồn vốn kéo dài từ năm 2020. Đây sẽ là nhóm được tập trung giải ngân mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021. Trong đó đến hết 31/12/2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn 2021 được giao.
Một số giải pháp khác được đưa ra để giải ngân nhanh và có hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn NSNN đó là: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài…
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trong thời gian tới có thể chiến lược giải ngân đầu tư công sẽ có sự thay đổi.
Đối với những khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như các tỉnh phía Nam rất khó trong giải ngân vì chuỗi lao động đang bị ảnh hưởng. Thay vào đó, những dự án quốc gia, có tầm quan trọng ở khu vực ít bị ảnh hưởng sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, những dự án đầu tư công tập trung ở khu vực nông thôn, có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra tác động nhiều cho người dân cũng nên được ưu tiên tập trung.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, chính sách phải phân rõ theo từng vùng, từng khu vực và theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh đầu tư công, theo chuyên gia ADB, các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Cùng với đó, tỷ lệ tiêm vaccine sẽ tỷ lệ thuận với mức độ tăng trưởng, và góp phần lớn vào việc thu hút đầu tư. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine trong thời gian tới.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)