Kinh tế toàn cầu ngày càng khó có khả năng phục hồi hình chữ V
G20 sẽ bơm 5.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu | |
Kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái | |
Tội phạm kinh tế toàn cầu ở mức cao kỷ lục |
Chuyên gia kinh tế “bó tay” với quỹ đạo của dịch bệnh
Vài tuần trước đây, người ta vẫn nói nhiều về khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi theo hình chữ V, nghĩa là sau khi tăng trưởng bị sụt giảm mạnh vì dịch thì sẽ như chiếc lò xo bị nén, nền kinh tế toàn cầu sẽ bật tăng mạnh mẽ hậu dịch. Theo đó, một kịch bản cơ sở mà nhiều tổ chức đã đưa ra là kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi, thậm chí là phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2020. Nhưng khi đại dịch lan rộng, đặc biệt là tại châu Âu, châu Mỹ, với những tác động ngày càng phức tạp, lớn và rõ ràng hơn thì kinh tế bao giờ mới phục hồi và liệu còn phục hồi mạnh được không là câu hỏi được đặt ra.
Đang có một thực tế là, kết quả tăng trưởng kinh tế ra sao sẽ xoay quanh một thứ hiện vượt quá khả năng chuyên môn của hầu hết các nhà kinh tế để có thể dự báo, đó chính là: quỹ đạo của dịch bệnh này sẽ như thế nào. “Chúng ta không có gì để đảm bảo chắc chắn rằng virus này sẽ biến mất vào cuối quý II tới”, Giáo sư Joseph Stiglitz tại Đại học Columbia, người từng được Giải thưởng Nobel, nói. “Nếu dịch còn kéo dài qua mùa hè tới, thì tất cả các hiệu ứng tiêu cực sẽ còn bị khuếch đại lớn hơn nữa”.
Triển vọng phục hồi nhanh của kinh tế toàn cầu đang lu mờ dần do đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp |
Trong trường hợp đó thì liệu phần sản lượng sụt giảm trong thời gian dịch bệnh có được khôi phục nhanh chóng, tiêu dùng có phục hồi nhanh chóng và mô hình phục hồi chữ V có xuất hiện là điều các nhà kinh tế đang khó dự báo. Không chỉ đánh vào sức khỏe và gây ra tâm lý lo ngại, Covid-19 còn gián tiếp tung những cú đánh vào hoạt động kinh doanh, công việc, thu nhập và túi tiền của mọi người. Khi điều đó kéo quá dài sẽ làm giảm khả năng mà mọi người có thể chi tiêu cho việc đi lại, giải trí, mua sắm giai đoạn hậu dịch. Nói cách khác là phía cầu sẽ hồi phục chậm chạp ngay cả khi giả định rằng phía cung sẽ dồi dào, các DN trong mọi ngành nghề, lĩnh vực có thể nhanh chóng hoạt động trở lại khi dịch lắng dịu.
“Sẽ mất nhiều thời gian để mọi người “quay lại ăn chơi” so với “quay trở lại làm việc”. Và điều này càng củng cố quan ngại về quỹ đạo phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển vốn rất phụ thuộc vào lĩnh vực dịch vụ trong nửa cuối năm 2020”, bà Catherine Mann, Kinh tế trưởng của Citigroup Inc., nhận định. Sự thận trọng của người tiêu dùng đã được thể hiện rõ ràng ở Trung Quốc trong những ngày vừa qua và điều đó cũng có thể xảy ra ở nơi khác.
Đây cũng là lý do tại sao Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, đã dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ theo hình logo của hãng thể thao Nike chứ không phục hồi theo hình chữ V và cũng không theo chữ U như một số sự báo gần đây. Chuyên gia này nhận định, chỉ riêng Hoa Kỳ, GDP có thể ghi nhận mức giảm 25% trong quý II, trước khi có thể tăng trở lại ở mức 15% trong quý III và sau đó vấp phải tình trạng đình trệ ở quý IV năm nay. “Nói chung là tăng trưởng nền kinh tế năm nay sẽ rất khập khiễng”, Mark Zandi nói. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ ở mức âm 9% trong quý I, tiếp tục lên tới âm 34% trong quý II và bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm với mức tăng 19% trong quý III/2020.
Khó đồng tốc để bứt phá mạnh mẽ
Diễn biến cụ thể thế nào phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc liệu các DN có nhanh chóng hoạt động để mọi người có thể quay lại làm việc hay không. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo dịch Covid-19 có thể khiến 25 triệu vị trí việc làm tại Mỹ bị mất, trong khi Goldman Sachs Group Inc. hôm thứ Ba dự báo, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng vọt lên 15% vào giữa năm, tăng mạnh so với mức 9% mà họ dự báo không lâu trước đó.
Công ty tư vấn Mckinsey & Co. lưu ý rằng, hiện 1/4 các hộ gia đình ở Mỹ đang sống nhờ tiền lương và 40% người dân Mỹ sẽ không thể trang trải các khoản chi phí phát sinh bất ngờ từ 400 USD trở lên mà không cần vay mượn. Giáo sư Joseph Stiglitz đang lo lắng về nguy cơ mà ông gọi là “bế tắc tài chính”, trong đó các hộ gia đình và các công ty không thể trả các hóa đơn, dẫn tới có thể buộc các chủ nợ của họ lâm vào tình trạng phá sản, vỡ nợ. Viện Tài chính Quốc tế ước tính, tỷ lệ nợ hộ gia đình tính trên GDP hiện đã cao ở mức kỷ lục tại một số nền kinh tế. Trong khi đó, tình trạng nợ của DN cũng đang ở mức cao tại nhiều quốc gia.
Nhằm tránh rủi ro một cuộc suy thoái kéo dài, các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp cả về phía tài khóa và tiền tệ ở quy mô dường như còn lớn hơn những phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - để hỗ trợ người dân, DN, người lao động… vượt qua các khó khăn hiện nay.
Và một trong những lập luận mạnh mẽ nhất cho khả năng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng là nhu cầu bị dồn nén - khi dịch đang diễn ra - sẽ bung trở lại mạnh mẽ sau dịch. “Giả sử đỉnh điểm của dịch là vào giai đoạn tháng 4, thì điều này có thể sẽ tạo tiền đề cho sự phục hồi trong nửa cuối năm 2020”, Chetan Ahya, Kinh tế trưởng tại Morgan Stanley nhận định. Chuyên gia này dự đoán, kinh tế toàn cầu trải qua mức tăng trưởng âm 2,3% trong nửa đầu năm nay, sau đó hồi phục và đạt được mức tăng trưởng 1,5% trong nửa cuối năm. Riêng Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ khó có thể quay trở lại với các mức tăng trưởng như trước khi dịch Covid-19 diễn ra, ít nhất là cho tới quý III/2021.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase do Bruce Kasman dẫn đầu lại hướng đến khu vực các thị trường mới nổi như một nguồn đáng lo ngại khác. Khu vực này đang bị kẹp giữa một bên là tỷ giá với đồng USD tăng (đồng nội tệ của họ mất giá) và một bên là dòng vốn nước ngoài chảy ra. Trong cập nhật mới nhất về triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, tăng trưởng theo kịch bản cơ sở của khu vực này sẽ giảm chỉ còn 2,1% năm 2020 và thậm chí có thể xuống mức âm 0,5% theo kịch bản tình huống xấu hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Tom Orlik của Bloomberg, nếu diễn biến dịch ở các quốc gia đi cơ bản đi theo cùng một quỹ đạo, thì nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoạt động trở lại từ những ngày đầu của 6 tháng cuối năm. “Nhưng thực sự không có gì để đảm bảo cho điều này. Nhiều đại dịch trong quá khứ có thể kéo dài nhiều năm chứ không phải vài tháng. Mới đây nhất, các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London đã cảnh báo các biện pháp ngăn chặn có thể phải kéo dài trong 18 tháng”, chuyên gia này nói.
Và các đơn đặt hàng trên toàn cầu cũng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, bởi mức độ, sự lây lan hay thời điểm mà các nền kinh tế bị Covid-19 tấn công là không giống nhau. Đơn cử, những nền kinh tế bị virus tấn công chậm hơn thì thường sau đó nhu cầu nhập khẩu cũng sụt giảm, dù cho cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc đang được khởi động trở lại. Tóm lại, ngay cả khi có được những tiến triển tích cực về dịch tễ học trong những ngày tới, Covid-19 được ngăn chặn hiệu quả và thậm chí việc phát triển vaccine thành công thì những tác động của Covid-19 và khả năng phục hồi kinh tế ở mỗi nước vẫn sẽ theo nhiều hướng khác nhau chứ khó đồng tốc để bứt phá mạnh mẽ.