Kinh tế - xã hội được đánh giá tích cực qua 10 điểm nổi bật
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo về nội dung Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 tới báo chí - Ảnh: VGP |
Kết quả nổi bật đầu tiên được ông Mai Tiến Dũng nêu tại buổi họp báo là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98% - mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm qua. Đây là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36%, dịch vụ tăng 6,85%.
Một chỉ số vĩ mô khác rất tích cực là lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
Tiếp theo là tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% (vốn FDI thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9,8 tỷ USD; 11 tỷ USD; 12,5 tỷ USD; 13,3 tỷ USD; 9 tháng của năm 2019 đạt 14,2 tỷ USD).
Lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), có 8/12 khoản thu và nhóm các khoản thu nội địa đạt khá, thu nội địa đạt 70,3%.
Xuất khẩu của Việt Nam sau 9 tháng cũng đạt trên 190 tỷ USD. Xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỷ USD… “Đây là những con số rất đáng mừng trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp như hiện nay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận.
Cũng theo người phát ngôn của Chính phủ chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có bước tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế. IIP 9 tháng ngành công nghiệp tăng 9,56% (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,29%), là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức (dịch bệnh, hạn hán, biến đổi khí hậu) nhưng đã tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng hiệu quả hơn, trong đó thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, là một điểm sáng của nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản tăng 5,4%, trong đó tôm tăng 7,2%, cá tra tăng 7,4%.
Tiếp đó là tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá là điểm nổi bật.
Cuối cùng là các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống nhân dân được cải thiện, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực, số hộ thiếu đói giảm 33%, trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 5,1 nghìn tỷ đồng.
Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho những tháng cuối năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, đối với lĩnh vực kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phải tạo dựng thêm dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt; Đồng thời, tăng tính chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường từ bên ngoài; Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng… phải nỗ lực, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao.