Kỳ vọng gì ở thị trường bất động sản năm 2021
Hai kịch bản cho bất động sản 2021
Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dù chịu tác động của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.
Khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy dòng tiền đổ vào BĐS |
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Việt Nam năm 2020 ước đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore và Malaysia để đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Còn theo báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.
Cũng mới đây, Quốc hội đã họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng GDP năm tới là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người…
"Có thể khẳng định, sức chịu đựng và khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy dòng tiền đổ vào bất động sản trong thời gian tới", ông Bùi Văn Doanh nói.
Theo dự báo của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, có 2 kịch bản sẽ xảy ra đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021.
Kịch bản thứ nhất, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên được đảm bảo (điều kiện tiên quyết là dịch bệnh được kiểm soát - theo nghĩa rộng không chỉ ở Việt Nam) thì thị trường bất động sản sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam khẳng định chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dương, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh. Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường.
"Năm 2021, chúng ta có thể hy vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn", ông nói.
Ông Doanh cũng tin rằng với những chuyển biến trong nhiệm kỳ mới và khi dịch được kiểm soát, các yếu tố pháp lý từng bước được hoàn thiện, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới với những sinh khí mới.
Với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, những nhà đầu tư đủ tự tin kiểm soát tài sản và tiềm lực tài chính sẽ có cơ hội tốt để tiếp cận với nguồn cung dồi dào và giá tốt hơn trong tương lai.
Kịch bản thứ hai, khi các chỉ tiêu vĩ mô nêu trên không được đảm bảo (tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới không thể kiểm soát), thị trường bất động sản năm 2021 vẫn sẽ giữ được mức như năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường (phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) sẽ gặp nhiều trở ngại.
Và nếu như không có sự can thiệp của Chính phủ và sự chủ động, thích ứng của doanh nghiệp, về lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản.
"Dưới góc nhìn tích cực nhưng thận trọng, chúng tôi cho rằng 2021 vẫn là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng, với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản", ông Doanh nói.
Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở giá bình dân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển bất động sản tiếp theo trong vòng 1 - 2 năm tới.
Còn dư địa để dòng vốn chảy vào bất động sản
Trước thông tin dòng tiền vẫn đang thể hiện sự cẩn trọng và dè dặt khi đổ vào lĩnh vực bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho biết dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản phục hồi rất tích cực, tăng 400% trong quý III so với quý II.
“Tính chung 9 tháng đầu năm, có khoảng 3,2 tỷ USD vốn FDI đăng ký và góp vốn mua cổ phần vào bất động sản, chiếm khoảng gần 15% tổng vốn cam kết, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút FDI vào Việt Nam”, ông Lực dẫn chứng từ số liệu công bố chính thức.
Tín dụng cho vay BĐS có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh |
Theo ông Lực, thị trường bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, với giá cổ phiếu ngành này trong 10 tháng năm 2020 giảm khoảng 5%, cao hơn so với mức giảm 2,2% của toàn thị trường; số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm đóng cửa ngừng hoạt động gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2019; tín dụng bất động sản tăng khoảng 2% từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, thấp hơn so với mức tăng 6,1% của toàn hệ thống.
“Tuy nhiên, cũng có nhóm người tiêu dùng sẵn sàng dùng tiền để mua nhà hoặc vay ngân hàng để mua nhà thời gian qua, trong bối cảnh lãi suất giảm và chủ đầu tư đưa ra các gói bán hàng hấp dẫn”, ông Lực bổ sung.
Trả lời câu hỏi tại sao ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng, mà thị trường bất động sản vẫn thiếu vốn, TS. Cấn Văn Lực phân tích: Thực ra, đến nay có nhiều dòng vốn khác nhau đổ vào bất động sản, bao gồm vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, vốn phát hành trái phiếu - cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.
Riêng kênh tín dụng ngân hàng, cho vay bất động sản vẫn tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây, trung bình khoảng 7 - 8%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 13 - 14%, có nghĩa là không hoàn toàn đóng băng mà đang có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh hơn.
Thêm nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có nhiều khó khăn, cùng với việc thiếu phương án kinh doanh khả thi nên khó đáp ứng điều kiện tín dụng, trong khi ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì rủi ro cho cả hai bên. Tuy nhiên, phân khúc cho vay bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở vẫn đang tăng trưởng rất tốt.
“Hiện nay, tổng dư nợ cho vay bất động sản của toàn bộ nền kinh tế khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 14% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, 63% là cho vay bất động sản nhà ở, còn lại là cho vay kinh doanh bất động sản. Rõ ràng, quy mô này không hề nhỏ, tuy nhiên tôi cho rằng còn nhiều dư địa phát triển, bao gồm cả phát hành trái phiếu bất động sản và thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này trong thời gian tới”, ông Lực nói.