Kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm |
Đối diện thách thức
Những tuần gần đây, thị trường chứng kiến một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Như SCB tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 7%/năm lên 7,3%/năm, nhiều kỳ hạn khác của SCB cũng tăng 0,3% - 0,4%/năm. Nam A Bank trả lãi suất tối đa 7,4%/năm với tiền gửi online dành cho kỳ hạn trên 16 tháng; hay PVcomBank dành cho khách hàng tối đa 7,25%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng trở lên…
Tuy vậy chuyên gia nhìn nhận, tín hiệu tăng lãi suất huy động chủ yếu rơi vào nhóm các ngân hàng có quy mô tương đối nhỏ và trung bình, việc tăng lãi suất cũng chủ yếu áp dụng cho các kỳ hạn dài do các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn.
Gói hỗ trợ lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sản xuất - kinh doanh |
Mặc dù vậy theo các chuyên gia, không thể phủ nhận lạm phát đang tạo áp lực lớn đến lãi suất hiện nay. Trên thực tế lãi suất tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã tăng vì lạm phát.
Nói về áp lực lạm phát, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính chia sẻ, nhiều quốc gia cũng chỉ vừa mới bắt đầu trở lại việc phục hồi kinh tế sau giai đoạn đại dịch hoành hành nên nhu cầu về nguyên vật liệu, vật tư hay hàng hóa còn tiếp tục tăng cao, là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng. Đó là chưa kể nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới thời gian vừa qua sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa hơn 10.400 tỷ USD để kích thích kinh tế hồi phục và phát triển. Điều này khiến giá trị đồng tiền hầu hết quốc gia giảm giá, tác động khiến thúc đẩy lạm phát thế giới tăng cao.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn nên áp lực lạm phát trên thế giới chắc chắn cũng sẽ tác động tới Việt Nam. Chưa kể, TS. Vũ Đình Ánh cũng đề cập đến việc lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 và rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4%, nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên.
Không chỉ lạm phát, việc nhiều NHTW trên thế giới và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại cũng có những tác động nhất định tới thị trường Việt Nam. VNDirect đánh giá, chính sách của Fed sẽ tác động nhiều mặt tới nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, lãi suất đồng bạc xanh tăng, dội áp lực lên lãi suất trong nước, khiến lãi suất tiền gửi VND dự kiến tăng thêm 20-40 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2022.
Một yếu tố cũng cần lưu tâm là nợ xấu đang có xu hướng tăng buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí hoạt động vì thế cũng tăng theo, từ đó tạo áp lực lên lãi vay.
Đối diện với lạm phát gia tăng, việc tăng hay không tăng lãi suất là câu chuyện cực kỳ nan giải. TS. Cấn Văn Lực cho hay, việc tăng lãi suất sẽ giúp kiểm soát được lạm phát. Song, lãi suất tăng chắc chắn làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của các nền kinh tế khi vốn rẻ cho doanh nghiệp bị thu hẹp. Đó là chưa kể, chủ trương của Chính phủ và NHNN là phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022-2023, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên, đây là thách thức không nhỏ.
Doanh nghiệp hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm
Sức ép ngày một lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn có những yếu tố có thể hỗ trợ để giúp duy trì mặt bằng lãi suất ổn định trong năm nay. Đó là dòng tiền quay trở lại với kênh ngân hàng nhiều hơn như một nơi trú ẩn an toàn giữa bối cảnh một số kênh đầu tư đang đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro.
Đặc biệt ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, các ngành sẽ được hỗ trợ vốn vay gồm hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Các ngành có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng được hỗ trợ lãi suất.
Quy định nêu rõ thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận NHTM và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, kể từ ngày nghị định có hiệu lực, nhưng không vượt quá 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định trên.
TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP.HCM kỳ vọng, sự kết hợp triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất và thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá, nhất là hỗ trợ tài khoá gắn với chính sách thuế, thúc đẩy các hoạt động kích thích nền kinh tế thông qua đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Hơn nữa, trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ đang cạn kiệt, việc phát huy tốt chính sách tài khóa là cần thiết. “Chúng ta đang có mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế nên phải cố gắng và nỗ lực giữ lãi suất điều hành như hiện nay. Còn nếu giảm lãi suất nữa thông qua lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất tái chiết khấu hay tái cấp vốn của NHNN thì không khả thi vì dư địa không còn nhiều”, TS. Linh chia sẻ quan điểm.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, để đạt được đa mục tiêu là rất khó trong bối cảnh hiện nay, giữ cho mặt bằng lãi suất ổn định đã rất tích cực rồi. Còn muốn lãi suất giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phải nhờ vào chính sách hỗ trợ lãi suất. Chung quan điểm, đại diện phía Vietcombank nhìn nhận với chủ trương của Chính phủ và NHNN hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong hai năm thì trong ngắn hạn lãi suất cho vay vẫn cơ bản ổn định để giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi VNDirect trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô cũng kỳ vọng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình cơ bản trong năm 2022.