Kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ không “hạ cánh mềm”
Tỷ giá bình yên khi Fed tăng lãi suất | |
Fed khởi động chiến dịch ứng phó với lạm phát | |
Fed tăng lãi suất tác động ra sao đến tỷ giá tại Việt Nam? |
Sẽ tăng lãi suất mạnh hơn?
Hiện một số nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng, NHTW Mỹ cần phải hành động tích cực hơn nữa để kìm đà lạm phát cao, trong đó cần tăng lãi suất mạnh hơn vào cuộc họp ngày 3-4/5 tới. Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester vào hôm thứ Tư khi được hỏi về lộ trình tăng lãi suất trong năm nay, cho biết: "Tôi nghĩ điều quan trọng là cần bắt đầu tăng lãi suất mạnh hơn, sớm hơn thay vì làm muộn trong nửa cuối năm".
Trong khi đó, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cũng cho biết sẽ ủng hộ động thái như vậy nếu các dữ liệu cho thấy điều đó là cần thiết. “Lạm phát, lạm phát và lạm phát đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi người lúc này”, bà Mary Daly nói. Đây là quan chức Fed thường có quan điểm thận trọng hơn các đồng nghiệp về việc thắt chặt chính sách. Nên có thể hiểu, việc nhân vật này cũng ủng hộ một đợt tăng lãi suất lớn hơn bình thường vào tháng 5 cho thấy Fed đang đứng trước tình thế cấp bách hơn, cần hành động nhanh chóng hơn để ngăn mức lạm phát hiện đang ở mức cao hơn ba lần so với mục tiêu 2% đề ra.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tính toán về thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed sai lầm sẽ khiến kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm nay |
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Kinh tế học Kinh doanh Quốc gia vào đầu tuần này cho biết, NHTW sẽ "khẩn trương" trong việc tăng lãi suất trong năm nay, trong đó để ngỏ khả năng tăng lãi suất lớn hơn tại cuộc họp chính sách vào tháng 5 tới. Quan điểm lãi suất sẽ tăng lớn hơn dường như cũng đã được thị trường kỳ vọng. Hiện các nhà giao dịch thị trường đang định giá sẽ có hai lần lãi suất tăng ở mức 0,5% trong các cuộc họp sắp tới và lãi suất chính sách cuối năm nay sẽ ở phạm vi 2,25%-2,5%.
Tại sự kiện hội nghị trên, ông Powell cho biết tháng 5 cũng có thể đánh dấu việc bắt đầu cắt giảm bảng cân đối tài sản gần 9 nghìn tỷ USD của Fed hiện nay. Việc cắt giảm này sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Bà Mary Daly nói: “Tôi nghĩ dữ liệu sẽ cho chúng ta biết, liệu nên giảm 50 điểm cơ bản; hay 25 điểm cơ bản, kết hợp với giảm bảng cân đối kế toán; hay 50 điểm cơ bản, kết hợp với giảm bảng cân đối kế toán sẽ là phù hợp tại cuộc họp chính sách tháng 5. Chúng tôi đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo sự ổn định giá cả và trước những thách thức khác mà chúng ta gặp phải”.
Phía trước chông gai
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cũng nói với các phóng viên rằng, không có gì để ngăn Fed tăng lãi suất và bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán tại cùng một cuộc họp chính sách. “Với tình hình mà chúng ta đang phải đối mặt và những thông điệp mà Chủ tịch Powell đã đưa ra về lộ trình lập bảng cân đối tài sản, tôi không lo ngại điều đó sẽ gây mất ổn định. Chúng tôi phải làm những gì có thể với cả hai công cụ chính sách của mình để kiểm soát lạm phát”, bà Mester nói.
Bà Mester cũng lặp lại quan điểm của mình, cho rằng 2,5% sẽ là mức lãi suất chính sách thích hợp vào cuối năm nay và điều này sẽ yêu cầu "một số" lần lãi suất tăng ở mức 0,5%. Còn chủ tịch Fed San Francisco tin rằng lãi suất chuẩn qua đêm của Fed có thể sẽ cần phải vượt lên mức trên 2,5%, nhưng phải đến năm sau điều này mới xảy ra.
“Nếu chúng tôi kết luận rằng, việc tăng lãi suất liên bang hơn 25 điểm cơ bản tại một cuộc họp hoặc các cuộc họp là phù hợp thì chúng tôi sẽ làm như vậy. Và nếu chúng tôi xác định rằng, cần thắt chặt hơn ngoài các biện pháp thông thường, chúng tôi cũng sẽ làm điều đó”, Chủ tịch Fed Powell nhấn mạnh. Đây là những nhận định quyết liệt nhất về giá cả từ ông Powell, người đang có công việc rất khó khăn lúc này là tăng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái - điều mà các nhà kinh tế học gọi là kỹ thuật "hạ cánh mềm". Theo các nhà phân tích tại UBS, thông điệp từ các quan chức Fed là họ đang chuẩn bị làm "bất cứ điều gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu". Định giá thị trường cho thấy, có 2/3 cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất 0,5% vào tháng 5.
Nhưng “hạ cánh mềm” và suy thoái dường như là thái cực rất gần nhau. Theo chuyên gia Neil Shearing tại Capital Economics, kể từ cuối những năm 1970 đến nay đã có 16 chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và châu Âu. Đáng tiếc khi hệ quả là có tới 13 chu kỳ trong số đó là nền kinh tế đã kết thúc trong suy thoái. Theo chuyên gia này, có ba lý do chính giải thích tại sao chu kỳ lãi suất cao hơn thường kéo theo suy thoái: Thứ nhất, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi một cú sốc không liên quan gì đến lãi suất. Như đại dịch coronavirus, khiến chu kỳ thắt chặt của Fed bị dừng lại kéo dài tới 36 tháng, là một ví dụ điển hình; Thứ hai, các NHTW đã quá rụt rè, để cho các nền kinh tế phát triển quá nóng và các bong bóng hình thành. Khi bong bóng vỡ, suy thoái sẽ đến; Thứ ba, các NHTW bắt đầu tăng lãi suất quá muộn và sau đó phải thắt chặt mạnh mẽ để bắt kịp lạm phát, gây ra suy thoái.
Shearing cho rằng, yếu tố thứ ba có vẻ đang phù hợp nhất và diễn ra hiện nay. Tuy suy thoái không phải là tình trạng không thể tránh khỏi cho đến lúc này, nhưng Chủ tịch Powell “hiện đang cố gắng đạt được điều gì đó mà dữ liệu quá khứ cho thấy có nhiều khả năng thất bại hơn thành công. Lịch sử cho thấy con đường dẫn đến một cuộc “hạ cánh mềm” hiện nay đã hẹp lại - và cú sốc lạm phát từ cuộc chiến ở Ukraine càng thu hẹp khả năng này hơn nữa”, Shearing nhận định.
Ông Powell cũng đã tham khảo các bài học lịch sử, nhưng chỉ đề cập tới Hoa Kỳ và đi đến một kết luận khác. Hôm thứ Hai, ông cho biết, “hạ cánh mềm” đã được thực hiện thành công vào các năm 1965, 1984 và 1994. "Tôi tin dữ liệu lịch sử cung cấp một số cơ sở cho sự lạc quan", ông nói, đồng thời lưu ý, chính sách tiền tệ thường được cho là một công cụ “cùn”. Powell kết luận: “Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, không ai mong đợi việc hạ cánh mềm sẽ diễn ra dễ dàng trong bối cảnh hiện tại”.