Ngành dệt may thay đổi để phát triển
Ngành dệt may Việt Nam sẵn sàng trở lại trong bối cảnh mới | |
Doanh nghiệp dệt may loay hoay với quy định bảo hiểm xã hội | |
Hướng về thị trường nội |
Hiện ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới thiếu ổn định, đơn hàng trong 3 tháng đầu năm sụt giảm. Bên cạnh đó, ngành còn thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, các doanh nghiệp trong ngành phần lớn làm gia công... Bối cảnh này đòi hỏi ngành dệt may phải có những thay đổi mạnh mẽ trong tầm nhìn và chuyển dần sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn để có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 47 tỷ USD trong năm 2023 và 50 - 52 tỷ USD năm 2025.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do kinh tế thế giới phục hồi chậm sau đại dịch nên xuất khẩu ngành dệt may trong quý I/2023 chỉ đạt 1,799 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ - dấu hiệu cho thấy những khó khăn trong năm 2023 tiếp tục là thách thức lớn.
May 10 đang nỗ lực chuyển đổi số để phát triển. |
Một tên tuổi lớn trong ngành là Tổng công ty May 10, trong quý I/2023, doanh nghiệp cũng đã có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu (khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, lượng đơn hàng trong quý II của doanh nghiệp giảm khoảng 20-30%...
Trước nhiều yếu tố bất lợi, May 10 đã có những điều chỉnh thay đổi phù hợp với tình hình mới. Tổng công ty đánh giá, rà soát lại và định vị lại chính mình, từ sản phẩm đến thị trường, cũng như định vị lại quản trị, công nghệ và mô hình sản xuất... Hiện nay, doanh nghiệp đã và đang đa dạng hóa sản phẩm và nỗ lực đào tạo công nhân đa tay nghề để đáp ứng sự thay đổi của thị trường. Đồng thời, Tổng công ty cũng tập trung tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là tận dụng các FTA thế hệ mới.
Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chí cao đối với các thị trường khó tính. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững sẽ phải trở thành nhà sản xuất xanh, dùng năng lượng nhiên liệu sạch, dùng những sản phẩn nguyên liệu có nguồn gốc xanh như từ sản phẩm hữu cơ hay sợi tái chế... và sử dụng nhà máy xanh cho người lao động từ môi trường làm việc... Tuy nhiên, để thay đổi đòi hỏi sự đầu tư rất lớn của doanh nghiệp, chính vì vậy cần phải có lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Hiện May 10 đang tập trung vào công tác chuyển đổi số. Ngay từ khâu thiết kế, May 10 đã ứng dụng các phần mềm chuyên dụng, các công đoạn trước kia phải làm bằng tay như duyệt mẫu sản phẩm, đo kích thước hay trình diễn... thì nay đều sử dụng phần mềm thay thế vừa nhanh, vừa chính xác, rút ngắn được nhiều chi phí, thời gian. Việc số hóa các công đoạn từ thiết kế, quản trị, đến quản lý tài chính, nhân sự... là những chiến lược trong hoạt động chuyển đổi số của May 10.
TS. Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2030, ngành dệt may đạt doanh thu từ 68 - 70 tỷ USD và chuyển dần sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.
Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, xác định phát triển bền vững và kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Đồng thời, ngành dệt may cũng cần phát triển khâu thiết kế, phát triển thương hiệu, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực… Tuy nhiên, với 86% doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tùy vào điều kiện của mình, doanh nghiệp xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp để chuyển đổi kinh doanh tuần hoàn.