Kỳ vọng tăng thu ngoài lãi
Thu dịch vụ tăng trưởng tích cực
Báo cáo tài chính năm 2021 của nhiều ngân hàng ghi nhận thu ngoài lãi tăng trưởng khá tích cực nhờ việc các nhà băng đẩy mạnh phát triển dịch vụ phi tín dụng. Đơn cử tại Vietcombank, mảng dịch vụ chiếm tỷ trọng khá lớn trong khoản thu ngoài lãi của ngân hàng này, với 7.407 tỷ đồng tăng 12,1% so cùng kỳ và động lực chính vẫn từ hoạt động thanh toán.
Tương tự, tính chung cả năm lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VietinBank ở mức 4.952 tỷ đồng - tăng 13,5% so với năm 2020. SeABank có tổng thu thuần ngoài lãi năm 2021 đạt 1.850 tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng doanh thu, chủ yếu tới từ các hoạt động kinh doanh chứng khoán, lợi nhuận hoa hồng bảo hiểm, phí dịch vụ, các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Hay VietBank lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 41,6% lên gần 33 tỷ đồng, các hoạt động kinh doanh khác lãi gấp 3,5 lần quý IV/2020. Báo cáo kết quả kinh doanh của Techcombank năm 2021 cho thấy, thu từ hoạt động dịch vụ tăng 42,4%, lên mức 7,8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt ở ngân hàng này phí dịch vụ bảo hiểm tăng 88,4% trong năm 2021, nâng mức phí lên 1,6 nghìn tỷ đồng…
Dự báo thu nhập từ dịch vụ thanh toán của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi |
Trong Báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng năm 2022, SSI Research nhìn nhận, thu nhập từ phí dịch vụ của các ngân hàng đã tăng trưởng mạnh 62% trong nửa đầu năm 2021. Thời gian sau đó do tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19 nên thu từ dịch vụ quý III của các nhà băng giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Tuy vậy luỹ kế ba quý đầu năm 2021 mức tăng trưởng vẫn đạt 37% so với cùng kỳ nhờ dịch vụ thanh toán, thu nhập bán chéo bảo hiểm.
Năm 2022, giới chuyên môn đưa ra dự báo thu ngoài lãi của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tích cực. SSI cũng nhận định thu nhập từ dịch vụ thanh toán trong năm nay sẽ phục hồi cùng với việc nối lại các thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, bancassurance tiếp tục sôi động. Trong đó ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh bancassurance sẽ có nhiều lợi thế tăng thu dịch vụ. Chẳng hạn như MSB trong năm 2021 đã ký độc quyền với Prudential và STB đàm phán lại hợp đồng độc quyền với Công ty bảo hiểm Dai-ichi Life. SSI ước tính năm 2022 VietinBank sẽ hoàn tất thuơng vụ với Manulife. Techcombank, VPBank đàm phán lại hợp đồng với Manulife, AIA… Theo SSI, hoa hồng bancassurance trên tổng NFI (thu nhập từ hoạt động dịch vụ) ước tính tăng trong 2022, từ mức trung bình hiện tại là 15%.
Lãnh đạo ACB cũng cho hay, năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại nguồn thu tốt cho các ngân hàng, nhất là khi các ngân hàng đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm. Thu nhập phí ACB được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 27% so với cùng kỳ. Doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong 2022 và các năm sau. Trước đó, lãnh đạo của ACB cũng cho biết, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng) cho tệp 3,6 triệu khách hàng của ngân hàng, sẽ được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, cùng với các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.
Chuyển dịch cơ cấu nguồn thu là tất yếu
Lý giải cho vấn đề này, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, do ngân hàng sớm đẩy mạnh hoạt động số hóa nên doanh thu ngoài lãi tăng trưởng tốt nhất là mảng dịch vụ như từ hoạt động thanh toán, tài trợ thương mại...
Trao đổi với giới phóng viên các chuyên gia đều chung nhận định với bối cảnh hiện nay khi công nghệ có vai trò then chốt, thì việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập từ mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm phi tín dụng đang là xu hướng được nhiều ngân hàng hướng tới. Nhu cầu cá nhân hoá khách hàng để đưa ra những sản phẩm dịch vụ phù hợp tới từng nhóm khách hàng sẽ là yếu tố được các ngân hàng lưu tâm hơn thời gian gần đây.
Là một trong những ngân hàng có thu nhập từ dịch vụ thu phí chiếm tỷ trọng khoảng 20% trên tổng thu nhập, VIB dự kiến sẽ tiếp tục nâng tỷ trọng thu từ phí dịch vụ lên cao hơn thời gian tới. Bà Trần Thu Hương - Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của VIB cho biết, với việc theo đuổi chiến lược bán lẻ trong suốt 6 năm qua, và năm 2021 vừa qua ngân hàng này ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, chiếm phần lớn là từ việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Trường Đại học Thương mại chia sẻ, sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng lên, kết hợp với niềm tin của dân chúng vào hệ thống NHTM Việt Nam ngày càng nâng cao sẽ là môi trường thuận lợi để các NHTM phát triển mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ được dễ dàng, góp phần gia tăng sự vững mạnh và an toàn của hệ thống. Thêm nữa, khuôn khổ pháp lý về các chuẩn mực an toàn của hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể, tiến gần hơn với thông lệ và chuẩn mực quốc tế cũng là nền tảng giúp các NHTM tại Việt Nam hoạt động an toàn, lành mạnh hơn. Hệ thống thanh toán, hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế cũng có những bước tiến vượt bậc.
Trên cơ sở tích cực của việc ứng dụng công nghệ hiện đại, các NHTM đã không ngừng nâng cao cả về số lượng chất lượng, dịch vụ và tiện ích ngân hàng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ đa dạng, phong phú để có thể giúp giao dịch mọi nơi, mọi lúc, rút ngắn thời gian giao dịch, tăng mức độ hài lòng của khách hàng.
Tuy vậy, để nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ cho khách hàng, chuyên gia cho rằng cần sự phối hợp và liên kết giữa các NHTM để mở rộng khả năng sử dụng thẻ, phát huy tính năng tác dụng của thẻ ATM; chú trọng phát triển, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hoá nghiệp vụ ngân hàng; tăng cường xử lý tự động trong tất cả quy trình tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, thẩm định và xử lý thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo bảo mật và an toàn. Bên cạnh đó, mở rộng các sản phẩm dịch vụ TTKDTM, đẩy mạnh dịch vụ tài khoản tiền gửi với thủ tục đơn giản, an toàn nhằm thu hút nguồn vốn của cá nhân trong thanh toán và phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, đẩy mạnh huy động vốn qua tài khoản tiết kiệm. Các NHTM cũng cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng các khu vực tự phục vụ (Ezone) để khách hàng có thể tự đăng ký các dịch vụ đơn giản, nâng cao sự trải nghiệm tiện ích, từ đó tạo ra các nhu cầu mới từ khách hàng…