Kỳ vọng vào xuất khẩu chuối
Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 154.180 ha trồng chuối cả nước, Đồng Nai là địa phương có diện tích lớn nhất với 13.149 ha, chiếm tỷ lệ 8,53%. Xét riêng khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai chiếm đến 70% diện tích trồng chuối.
Tỉnh Đồng Nai giới thiệu lô chuối xuất khẩu sang Trung Quốc |
Chuối là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong số ít các loại cây ăn quả có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô 400 - 500 ha. Tổng sản lượng chuối toàn tỉnh ước tính là 450.000 tấn/năm; trong số này, trên 80% là để xuất khẩu. Giống chuối được trồng phổ biến trong tỉnh là chuối già Nam Mỹ, kế đến là chuối Sứ, chuối Cau… và một số giống khác. Hiện nay, thu nhập bình quân với 1 ha trồng chuối sau khi trừ các chi phí vào khoảng 200 triệu đồng/năm. Chuối (tươi) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Với việc Trung Quốc mở rộng cửa nhập khẩu chính ngạch theo Nghị định thư được ký trong tháng 11/2022, xuất khẩu chuối của Việt Nam trong năm 2023 được kỳ vọng có bước tăng trưởng mới. Trung Quốc hiện có có nhu cầu nhập khẩu chuối khoảng 1 tỷ USD/năm, là cơ hội rất lớn cho Việt Nam đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu. Nhưng để làm được điều này, cần nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng này nhằm gia tăng thị phần. Bởi lẽ, tại Trung Quốc, hiện nay chuối Philippines đang chiếm đến 50% thị phần, Campuchia chiếm 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng loạt Nghị định thư xuất khẩu trái cây tươi được ký kết với Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu trái chuối nói riêng, nông sản nói chung vào thị trường lớn này trong năm 2023. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh khâu chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu và gia tăng giá trị từ phụ phẩm chuối; tổ chức sản xuất theo chuỗi và đẩy mạnh liên kết.
Vừa qua, Bộ này đã phối hợp với UBND Đồng Nai tổ chức lễ xuất khẩu hơn 300 tấn chuối tươi sang thị trường Trung Quốc. Địa phương này được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 mã vùng, có diện tích 5.669 ha, dẫn đầu cả nước.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để các thành viên tham gia chuỗi liên kết sản xuất chuối, cùng nhau phát triển kinh tế, hướng tới mở rộng vùng nguyên liệu. Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các giải pháp như: phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, chuyển giao các giống chuối đặc sản phù hợp với việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, sẽ nâng cao chất lượng chuối tươi thông qua thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, chuẩn hóa, nâng cấp khu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối. Cùng với đó, đảm bảo duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm từ vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đến công tác kiểm dịch thực vật.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, để có được bước tăng trưởng mới, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong xuất khẩu, người trồng chuối cũng phải chủ động thay đổi tư duy, tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã...