Kỳ vọng về thị trường mua - bán nợ xấu
Sắp có sàn giao dịch nợ xấu
NHNN vừa phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển VAMC trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các TCTD, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các TCTD, có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, VAMC sẽ đóng vai trò trung tâm của thị trường mua bán nợ, thể hiện qua việc VAMC sẽ xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sau khi được NHNN phê duyệt thành lập Sàn giao dịch nợ, VAMC sẽ thiết lập, vận hành Sàn giao dịch nợ theo Đề án đã được phê duyệt; đồng thời thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ xử lý nợ AMCs với các thành viên là VAMC và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các TCTD (AMC). Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ.
Việc ra đời Sàn giao dịch mua bán nợ tập trung góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu |
Việc sớm vận hành thị trường mua bán nợ được các ngân hàng, AMC, giới đầu tư và bản thân VAMC đã mong mỏi từ lâu. Bởi từ Nghị quyết 42 đã đưa ra quy định cho phép nhà đầu tư mua bán nợ theo giá thị trường, nhưng do quy định còn chung chung nên chưa thể tạo chất xúc tác giúp thị trường mua bán nợ sớm vận hành được. Do vậy, nhiều ý kiến kỳ vọng việc ra đời Sàn giao dịch mua bán nợ tập trung sẽ thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, qua đó góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu. Thời gian qua, các ngân hàng rao bán rất nhiều khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo đi kèm khá đa dạng từ bất động sản, đến nhà xưởng, máy móc, thiết bị thậm chí cả trang trại lợn, đàn lợn giống… Nhưng do chưa có sàn giao dịch mua bán nợ nên việc mua bán vẫn khá ế ẩm. Nhiều tài sản giao bán hàng chục lần vẫn chưa tìm được người mua.
Việc thành lập sàn giao dịch xa hơn là thị trường mua bán nợ, theo quan điểm của một thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, đây không phải là vấn đề mới. Hiện tại thị trường này đã manh nha hoạt động, nhưng chủ thể tham gia ít, chỉ vài tổ chức mua bán nợ với nhau là các ngân hàng với VAMC hay DATC. Trong khi đó, số giao dịch mua bán nợ giữa các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân một phần là do chưa có sàn giao dịch nợ xấu chuyên nghiệp tại Việt Nam để các TCTD, nhà đầu tư tiếp cận, trao đổi thông tin và thực hiện giao dịch các khoản nợ xấu. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, việc chưa có thị trường chính thống, chưa có sàn giao dịch mua bán nợ khiến cho nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu để mua nợ xấu mà không biết tìm kênh thông tin nào tin cậy để giao dịch. Do vậy, việc sớm có thị trường mua bán nợ (cả nợ tốt và nợ xấu) theo đúng nghĩa có nhà tạo lập, người mua, người bán… sẽ cung cấp thông tin công khai minh bạch, nhất là tính pháp lý được đảm bảo giúp thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn cùng tham gia.
Lãnh đạo một NHTMCP cũng chia sẻ, việc ra đời sàn giao dịch nợ xấu sẽ giúp hoạt động mua bán nợ minh bạch hơn, cả người bán và người mua có thể tìm hiểu thông tin và tin tưởng hơn so với kênh thông tin chỉ từ một phía bên mua hoặc bên bán. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, nợ xấu ngân hàng có nguy cơ gia tăng, nếu sàn giao dịch đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn giúp các ngân hàng xử lý nợ nhanh hơn.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC cho biết, VAMC đã trình NHNN Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ, về cơ bản các nội dung trong Đề án đã được cơ quan quản lý chấp thuận nên sàn cũng sẽ sớm được vận hành, tạo môi trường mua bán nợ xấu minh bạch để các nhà đầu tư giao dịch. “Hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ kích thích nhu cầu mua bán nợ của các chủ thể. Qua đó tạo lập và kích thích thị trường mua bán nợ xấu nói riêng, thị trường mua bán nợ nói chung phát triển”, lãnh đạo VAMC bày tỏ kỳ vọng.
Cần luật chơi mới
Theo chia sẻ của TS. Đoàn Văn Thắng, sau khi Đề án được phê duyệt, VAMC thành lập Ban trù bị Sàn giao dịch nợ VAMC để hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động, các văn bản, quy định nội bộ về tổ chức, quản lý, vận hành Sàn giao dịch nợ. Thời gian đầu, sàn giao dịch mua bán nợ sẽ giao dịch offline với các thành viên mua bán nợ là các AMC của ngân hàng. VAMC với vai trò là nhà tạo lập thị trường, kết nối cho các nhà đầu tư gặp nhau. Giá cả hàng hóa (nợ xấu - PV) sẽ được xác định theo thỏa thuận trực tiếp giữa người mua với người bán. Sau một thời gian vận hành trôi chảy, cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, sàn giao dịch tiếp tục mở rộng thêm các thành viên là các ngân hàng, xa hơn là các nhà đầu tư nội, ngoại...
Ông Thắng cho biết, hiện tại khung pháp lý cho thị trường này tuy đã có, nhưng vẫn còn sơ khai. Để vận hành thị trường mua bán nợ này, nếu chỉ riêng mình ngành Ngân hàng chứ đừng nói đến VAMC là không thể làm được. Chẳng hạn muốn bán được khoản nợ xấu đưa lên thị trường giao dịch thì khoản nợ phải được chứng khoán hóa. Muốn vậy thì Luật Chứng khoán phải cho phép… Nhưng nếu đợi đủ hành lang pháp lý mới vận hành Sàn giao dịch mua bán nợ thì sẽ phải chờ khá lâu, trong khi số lượng nợ xấu cần phải xử lý đang có xu hướng tăng. Vì thế, VAMC tiên phong đi trước thành lập Sàn giao dịch nợ xấu, tạo môi trường để các thành viên tham gia trao đổi hàng hóa. Trong quá trình triển khai VAMC tiếp tục xây dựng quy trình, quy chế, đề xuất “luật chơi”... để Sàn giao dịch vận hành quy củ, bài bản, đạt hiệu quả quan trọng, nhất là xử lý nhanh, dứt điểm các khoản nợ xấu.
Giới chuyên môn kiến nghị, để sàn giao dịch sớm vận hành, thúc đẩy thị trường mua bán nợ nhộn nhịp, xử lý hiệu quả nợ xấu, cần nỗ lực không chỉ của VAMC, NHTM mà cả bộ, ban, ngành cùng vào cuộc hỗ trợ, nhất là tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng để hoạt động xử lý nợ xấu được thông suốt.