Lại “nóng” chuyện nợ bảo hiểm xã hội
Nợ lớn trong thời gian dài
Theo số liệu báo cáo của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), số tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH trong thời gian gần đây liên tục tăng theo từng năm. Nếu như năm 2017, con số này là 9,7 nghìn tỷ đồng, năm 2019 trên 10 nghìn tỷ đồng, năm 2020 là 11,6 nghìn tỷ đồng thì tính đến cuối tháng 1/2023 đã là gần 26 nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng tại Hà Nội, số tiền chậm đóng bảo hiểm trong các tháng đầu năm 2023 của gần 60 nghìn đơn vị, doanh nghiệp trên toàn địa bàn là hơn 1.500 tỷ đồng với thời gian chậm đóng từ 1 tháng đến 182 tháng.
Một trong các giải pháp được các cơ quan BHXH áp dụng hiện nay để thu hồi số nợ trên là công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Người lao động cần nắm chắc quá trình đóng bảo hiểm của mình |
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ tăng cường thanh kiểm tra với doanh nghiệp chưa đăng ký đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ, chậm đóng từ ba tháng trở lên. Những công ty cố tình trốn đóng sẽ bị lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Đặc biệt, tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ cũng đã yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục đôn đốc thu, giảm nợ BHXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết, chi trả kịp thời các quyền lợi về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Thừa nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp chây ì, chậm đóng, trốn đóng BHXH, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chỉ ra một số nguyên nhân như: nhiều doanh nghiệp vin vào cớ đang quá khó khăn; cơ quan quản lý chưa xử lý mạnh vì lo ngại doanh nghiệp khó khăn sẽ phải đóng cửa, từ đó ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh chung; việc khởi tố tội danh trốn đóng BHXH cũng còn những vướng mắc về chính sách, thẩm quyền. Đây chính là những yếu tố làm cho tình trạng chậm đóng tiếp tục gia tăng và ngày càng khó giải quyết được quyền lợi cho người lao động. Hơn nữa, càng để lâu, nợ càng tích tụ lại khó thu hồi, chính doanh nghiệp cũng khó xoay xở vì số nợ tăng cao.
Ngoài ra theo một chuyên gia, nguyên nhân chậm đóng, trốn đóng BHXH, còn đến từ việc thu BHXH chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời theo quy định của pháp luật; một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt và hiệu quả, dẫn đến còn tình trạng chậm đóng thời gian dài; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH chưa được thường xuyên; việc xử lý vi phạm pháp luật về BHXH trong đó có hành vi chậm đóng tiền BHXH ở nhiều nơi còn chưa nghiêm.
Cần biện pháp xử lý “mạnh tay” hơn
Theo các chuyên gia đánh giá, nếu không nhanh chóng đồng bộ luật pháp để xử lý hành vi trốn đóng BHXH, số doanh nghiệp chây ì sẽ tiếp tục tăng, số lao động chịu thiệt thòi khi không được hưởng chế độ sẽ không dừng lại và niềm tin vào hệ thống an sinh - xã hội sẽ bị lung lay.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung một số biện pháp theo hướng tăng cường xử lý trốn đóng BHXH như ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Dự kiến tháng 10/2023 tới đây, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được chính thức trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Bàn về các biện pháp xử lý tình trạng trốn đóng BHXH, ông Lê Đình Quảng cho biết, tới đây khi sửa Luật cần có những quy định làm rõ thế nào là cố tình trốn đóng, cũng như trách nhiệm pháp nhân để xử lý dứt điểm vì gần một nửa vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố hành vi trốn đóng BHXH do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các cơ quan quản lý đã xây dựng dự thảo nghị định quy định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết là lấy tiền thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản, chủ bỏ trốn để bù vào số nợ bảo hiểm. Nếu không đủ thì chi trả thêm từ tiền lãi doanh nghiệp nộp do chậm đóng BHXH, hoặc giao địa phương ứng ngân sách giải quyết sau thanh lý tài sản; các chế tài về phong tỏa tài khoản, cấm tham gia một số hoạt động kinh tế cũng là một trong những giải pháp cần thiết nên đưa ra nghiên cứu để quy định trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH tăng rất cao và có những diễn biến phức tạp, ông Quảng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, người lao động cũng cần chủ động bảo vệ quyền lợi của chính mình. Theo đó, người lao động cần chủ động theo dõi, giám sát quá trình đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp không tham gia đầy đủ, kịp thời thì phải trực tiếp yêu cầu hoặc có thể phản ánh với tổ chức công đoàn, hoặc nhờ các cơ quan chức năng ở địa phương can thiệp, yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Luật BHXH.