Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay
Doanh nghiệp dệt may loay hoay với quy định bảo hiểm xã hội | |
Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại đơn vị nợ đóng |
Còn nhiều băn khoăn
Dự kiến tháng 10/2023 tới đây, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được chính thức trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Với mục tiêu để BHXH trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được kết cấu thành 9 chương, 133 điều; trong đó có bổ sung hai nội dung mới là trợ cấp hưu trí xã hội và quản lý thu, đóng BHXH.
Những nội dung được dư luận quan tâm nhất tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và đề xuất thay đổi quy định về BHXH một lần. Lý do đưa ra những đề xuất này là nhằm mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).
Ảnh minh họa |
Cụ thể với đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội, (LĐTB&XH) cho rằng, quy định mới sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương thấp. Đặc biệt, với những người tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập thấp thì mức hưởng lương hưu khi đủ tuổi hưu sẽ càng thấp, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Điều này sẽ không khuyến khích được người dân tham gia BHXH tự nguyện, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bao phủ BHXH.
Còn về BHXH một lần, hiện Ban soạn thảo đang đề xuất 02 phương án. Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút BHXH một lần.
Phương án 2 được đưa ra là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên cả hai phương án này đều có những điểm hạn chế. Đặc biệt phương án 1 không có sửa đổi về chính sách nên phương án này không thể hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần như hiện nay, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.
Trong khi với phương án 2, việc cho phép người lao động được rút tối đa 50% thời gian đóng BHXH thì số tiền BHXH bảo lưu còn lại sẽ là khá thấp, đặc biệt là với những người có mức thu nhập đóng BHXH thấp, hệ quả là mức lương hưu khi về già không đáng kể, không có nhiều ý nghĩa về mặt an sinh xã hội. Bên cạnh đó, người lao động đã tính đến việc rút BHXH một lần thì chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, nên việc chỉ cho phép rút tối đa 50% tiền BHXH có thể gây ra phản ứng từ phía người lao động, nên cần phải giải thích thấu đáo về ý nghĩa của chính sách này.
Phải tháo gỡ được vướng mắc thực tế
Trên thực tế ngay khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được công bố, các phương tiện truyền thông đã liên tục đăng tải những ý kiến khác nhau của người lao động liên quan đến những đề xuất kể trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu giải quyết được vấn đề rút BHXH một lần và để hạn chế tình trạng này nên giảm tuổi nghỉ hưu để tăng cơ hội hưởng lương hưu cho người lao động. Đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng, việc mức lương hưu không đảm bảo mức sống tối thiểu khi về già chính là lý do khiến người lao động rút BHXH một lần...
Trên thực tế, lượng rút BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong giai đoạn 2016-2021, số lượng lao động chọn giải pháp rút BHXH một lần tăng trung bình 11,6%/năm. Bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người chọn rút BHXH một lần.
Đáng chú ý đa số (90,7%) người lao động chọn rút BHXH một lần thuộc nhóm lao động làm việc trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước và người đóng BHXH tự nguyện. Trong số này, đáng chú ý là 77,6% số người rút BHXH một lần có độ tuổi 20-40 tuổi và có số năm đóng BHXH trung bình từ 4-5 năm.
Để hạn chế tình trạng này, trước đây cũng đã từng có đề xuất người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào quỹ BHXH 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng - chiếm 14% - sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Tuy nhiên đề xuất này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tương tự như hiện tại. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến người lao động rút BHXH một lần, trong đó có nguyên nhân thời gian đóng BHXH quá dài. Nhưng nguyên nhân căn bản nhất là hiện nay, đời sống của nhiều người hết sức khó khăn, không ít người lao động bị giảm hoặc mất việc làm, nên họ rất cần tài chính để trang trải cuộc sống hay thay đổi công việc. Ngoài ra, chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt, mức lương hưu còn thấp nên chưa tạo được niềm tin để thu hút đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống này.
Vì vậy để giải quyết căn cơ tình trạng này, quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người lao động. Muốn vậy cần tăng quyền lợi BHXH cho người tham gia, đặc biệt mức lương hưu phải đảm bảo mức số tối thiểu của người lao động khi về già. Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu về ý nghĩa của BHXH, những thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Chỉ có như vậy mới giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh, thay vì là những giải pháp tạm thời.