Doanh nghiệp dệt may loay hoay với quy định bảo hiểm xã hội
Mới đây, tại Hội nghị đối thoại với chính quyền TP. Hồ Chí Minh về vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH), Công ty cổ phần Dệt may đầu tư, thương mại Thành Công nêu vấn đề, hiện doanh nghiệp có hàng trăm công nhân, do lĩnh vực sản xuất đặc thù nên phần lớn công nhân, người lao động phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nhưng do chức danh không thể hiện đúng với danh mục trong sổ BHXH và dữ liệu BHXH, nên người lao động không biết để lưu các giấy tờ cần thiết để chứng minh làm trong môi trường độc hại; thậm chí công ty cũng không lưu trữ hồ sơ của người lao động nghỉ việc đã lâu.
Theo quy trình của BHXH, nếu người lao động hoặc công ty không cung cấp được các hợp đồng lao động hoặc quyết định chuyển xếp lương, nâng bậc lương thì không có sơ sở để điều chỉnh chức danh.
Ngành may công nghiệp, có nhiều công việc được xác định là nặng nhọc, độc hại |
Bên cạnh đó trong quá trình làm việc, thời gian lâu, kéo dài, công nhân chủ yếu ở trọ hay phải di chuyển thay đổi chỗ ở nên không ít trường hợp thất lạc, làm mất các giấy tờ chứng minh. Đối với những trường hợp này, công ty đã nhanh chóng làm công văn giải trình hoặc làm lại các quyết định cho người lao động và cam kết các vấn đề có liên quan đến người lao động để được hưởng các quyền lợi liên quan đến BHXH, nếu không điều chỉnh được người lao động sẽ rất thiệt thòi vì thực tế họ đang làm công việc nặng nhọc, độc hại mà không được hưởng chế độ thỏa đáng.
Công ty đã nêu vấn đề này với BHXH TP.Hồ Chí Minh và được trả lời: “Cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH xem xét điều chỉnh chức danh làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (NNĐHNH) trên sổ BHXH là các giấy tờ gốc có liên quan xuyên suốt thời gian cần điều chỉnh được quy định tại Phụ lục 01 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Trường hợp người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH nhưng trên sổ BHXH và dữ liệu đóng BHXH chưa ghi nhận mà người lao động không còn giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, cơ quan BHXH không có cơ sở để thực hiện điều chỉnh”.
Chính vì vậy, những công nhân, người lao động trong trường hợp này đã không được xem xét hưởng chế độ của người lao động trong môi trường độc hại, mặc dù trên thực tế thì họ đang chịu nhiều ảnh hưởng sức khỏe từ môi trường làm việc.
Tương tự, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may tại TP.Hồ Chí Minh bức xúc, chỉ vì câu chữ không thống nhất trong văn bản pháp luật, hay một vấn đề liên quan đến người lao động, các bộ ngành lại có cách hiểu và quản lý khác nhau khiến không ít người lao động bị thiệt thòi, mất quyền lợi dù họ đáng được thụ hưởng.
Cụ thể, một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động tại Quận 6 phản ánh về việc ghi thông tin công việc phải làm theo Thông tư số 11/2020/TTBLĐTBXH (Thông tư 11). Do công ty hoạt động trong ngành may công nghiệp, có nhiều công việc được xác định là nặng nhọc, độc hại (thuộc ngành da giày, dệt may – mục X). Tuy nhiên, tên gọi các vị trí công việc trong công ty đang không giống hoàn toàn với danh mục của Thông tư 11 về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cơ quan BHXH địa phương có yêu cầu công ty phải ghi đúng theo tên gọi trong danh mục Thông tư 11 nếu muốn áp dụng các chế độ BHXH của người lao động làm công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp nếu ghi đúng theo hướng dẫn này thì sẽ có khá nhiều điểm bất cập. Vì những điểm trên, BHXH cần có có hướng dẫn cách ghi nhận tên công việc phải làm trong hồ sơ tham gia BHXH cho phù hợp với quy định pháp luật cũng như phù hợp với việc quản lý trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng nhờ BHXH hướng dẫn việc xác định thời gian làm công việc nặng nhọc độc hại: Trường hợp nhân viên đã làm công việc nặng nhọc độc hại nhiều năm, nhưng có khác biệt trong tên gọi của vị trí, vậy thời gian được tính là thời gian làm công việc nặng nhọc độc hại để tính hưởng các chế độ BHXH được xác định như thế nào?
Trả lời về vấn đề cụ thể này cho doanh nghiệp dệt may, BHXH TP.Hồ Chí Minh khẳng định, quy định về chức danh nghề, công việc NNĐHNH là thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với các chức danh nghề chưa có trong quy định, đơn vị ghi hồ sơ báo cáo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được xem xét trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn. Trường hợp người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH nhưng trên sổ BHXH và dữ liệu đóng BHXH chưa ghi nhận đúng chức danh công việc theo các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì người lao động hoặc đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định. Cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH xem xét điều chỉnh chức danh làm nghề, công việc NNĐHNH là các giấy tờ gốc có liên quan xuyên suốt thời gian cần điều chỉnh được quy định tại Phụ lục 01 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Cơ quan BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, để xác định thời gian làm nghề, công việc NNĐHNH và giải quyết chế độ BHXH căn cứ chức danh, công việc ghi trên sổ BHXH và dữ liệu đóng BHXH phải thuộc danh mục công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.