Lãi suất đang “chỉnh” theo tín hiệu thị trường
Kích cầu vay mua nhà Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ổn định |
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được Agribank công bố, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm, lên mức 1,8%/năm; Lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng đồng loạt tăng thêm 0,3%/năm, lên mức 2,2%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6-9 tháng có lãi suất mới là 3,2%/năm sau khi tăng thêm 0,2%/năm. Agribank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-18 tháng ở mức 4,7%/năm.
Cũng trong ngày 1/8, HDBank đã tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn: lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-5 tháng đồng loạt được niêm yết tại mức 3,55%/năm sau khi tăng 0,3%/năm. HDBank tăng thêm 0,2%/năm lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, lên mức 5,1%/năm.
Theo thống kê của phóng viên, trong vòng 1 tháng qua, có khoảng 20 ngân hàng lớn, nhỏ tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Mặc dù tăng lãi suất nhưng biểu lãi suất huy động nhóm Big 4 vẫn ở mức thấp. Trong đó lãi suất huy động của Agribank thấp nhất, ba ngân hàng còn lại là BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức 2,9%/năm - 3%/năm đối với kỳ hạn 6 và 9 tháng; kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%/năm – 4,8%/năm.
Việc duy trì lãi suất cho vay ổn định là một thách thức |
Ở nhóm NHTMCP ghi nhận biểu lãi suất đã được điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. VPBank điều chỉnh tăng 0,4%/năm lãi suất ở các kỳ hạn 6, 9 tháng; 0,3%/năm lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng và 0,2% ở kỳ hạn 24 tháng. Qua đó, biểu lãi suất mới của VPBank kỳ hạn 6 - 9 tháng cùng niêm yết mức lãi suất là 4,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết mức lãi suất là 5,2%/năm và 5,5% cho kỳ hạn 24 tháng. Techcombank điều chỉnh tăng 0,2% lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Biểu lãi suất mới của Techcombank kỳ hạn 6 - 9 tháng cùng niêm yết mức lãi suất là 4,5%/năm; kỳ hạn 12, 24 tháng niêm yết mức lãi suất là 5,2%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng đang giao dịch ở mức 4,47%; 4,68%; 4,82% và 4,95%. Nhìn chung, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn vẫn đang dao động xung quanh ngưỡng 5% thiết lập từ tháng 4/2024.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, động thái tăng lãi suất gần đây của các NHTM phù hợp với diễn biến thị trường. Hơn nữa, việc NHNN duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao cũng góp phần giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND giúp giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc lãi suất huy động tăng trong thời gian vừa qua, nhất là giai đoạn gần đây phản ánh đúng diễn biến thị trường. Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng để hướng tới đa mục tiêu. Đầu tiên việc tăng lãi suất là phản ánh mối tương quan với lạm phát kỳ vọng. Bên cạnh đó là phục vụ chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong những tháng cuối năm. Chưa kể, hiện tại kênh tiết kiệm phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư khác đang hút vốn như thị trường chứng khoán, bất động sản đang khá sôi động. Do đó ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để tăng cạnh tranh, giữ chân khách hàng; nhất là cầu tín dụng đang cải thiện rõ rệt và dự báo tăng cao hơn từ nay đến cuối năm, đòi hỏi lượng vốn huy động cũng phải tăng tương ứng.
Từ thực tế trên, có thể thấy, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp và dự báo mặt bằng lãi suất VND trong những tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng nhẹ. KBSV nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 50 điểm cơ bản từ nay cho tới cuối năm, lên mức quanh vùng đáy COVID-19 giai đoạn 2020 - 2021.
Các yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm được KBSV chỉ ra, thứ nhất là tỷ giá trong quý III/2024 vẫn sẽ có các biến động trồi sụt, mặc dù rủi ro tăng mạnh trở lại không còn đáng ngại. Theo đó, NHNN vẫn sẽ duy trì định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế găm giữ đầu cơ, song song với nghiệp vụ bán USD để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1. Thứ hai, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024 trước những động lực chính: kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và tài khóa khiến nhu cầu nội địa cải thiện; thị trường bất động sản khởi sắc.
Cũng có ý kiến lo ngại lãi suất cho vay tăng cùng chiều với lãi suất huy động. Song theo các chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xu hướng lãi suất huy động tăng diễn ra trên diện rộng cho thấy, lãi suất cho vay cũng sẽ khó có thể giảm thêm. Thực tế, dù ngân hàng tiếp tục cố gắng tiết giảm chi phí, tạo thêm dư địa tài chính để hỗ trợ khách hàng nhưng với lãi suất đầu vào tăng thì khoản chi phí này chỉ đủ giúp các ngân hàng cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất như hiện tại.
Còn theo TS. Châu Đình Linh, lãi suất huy động tăng sẽ cần độ trễ để lãi suất cho vay tăng. Song mức tăng lãi suất cũng có sự phân hóa. Ngân hàng nào có khả năng quản trị chi phí, rủi ro tốt thì mức tăng lãi suất cho vay sẽ không đáng kể. “Tôi nghĩ ngân hàng nào cũng muốn giữ chân khách hàng nên sẽ cố gắng đưa mức lãi suất tốt nhất có thể. Do đó, lãi suất cho vay có thể cũng chỉ nhích nhẹ trong thời gian tới”, vị này nhận định.
Để tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp, ngân hàng cần phải kiểm soát tốt nguồn vốn huy động cũng như chi phí đầu vào. Bởi nếu không kiểm soát tốt thì việc duy trì lãi suất cho vay ổn định cũng là rất thách thức.