Làm gì để thoát hiểm khi không may gặp hỏa hoạn?
Sau vụ cháy chung cư mini, Hà Nội hỏa tốc yêu cầu kiểm tra toàn bộ nhà trọ, nhà cho thuê Bộ Xây dựng chỉ đạo tăng cường kiểm tra về xây dựng đối với chung cư mini |
Mới đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, hướng dẫn các cách xử trí theo từng tình huống khi xảy ra hỏa hoạn cho cư dân sống tại chung cư, nhà cao tầng. Theo đó, khi gặp sự cố hỏa hoạn xảy ra, để đảm bảo an toàn khi thoát nạn ra khỏi đám cháy, người dân cần cố gắng bình tĩnh xác định khu vực an toàn và khu vực cháy, nhận định tình huống theo 02 trường hợp.
Trường hợp 1, đám cháy xảy ra trong căn hộ của mình, nếu không dập tắt được đám cháy thì tìm cách thoát ra khỏi khu vực cháy, đóng cửa ngăn khu vực cháy với khu vực khác để không cháy lan và thoát ra khỏi căn phòng, căn hộ. Nếu không thoát ra được cửa trước thì thoát ra phía sau căn hộ (không trốn vào Toilet) để thoát hiểm, chờ lực lượng cứu hộ (hoặc thoát sang căn hộ khác).
Trường hợp 2, đám cháy xảy ra ngoài căn hộ của mình, người dân cần xác định khu vực xảy ra cháy và khói nguy hiểm để tránh xa, tuyệt đối không thoát ra lối cầu thang máy để xuống đất bằng mọi giá. Để thoát hiểm an toàn, người dân phải thoát hiểm bằng thang bộ (khi thang bộ an toàn).
Riêng đối với người dân sinh sống tại chung cư mini, Đại tá, PGS.TS. Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, cho rằng mỗi hộ gia đình phải chăm lo đến điều kiện an toàn của mình như trang bị thang dây, đặt mục tiêu phòng cháy lên trên phòng trộm. Đặc biệt, phải học những kỹ năng thoát hiểm khi gặp cháy nổ.
Trong lúc nguy cấp, người dân không được quá hoảng sợ, thực hiện quy định hướng dẫn thoát nạn an toàn của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhất là cán bộ quản lý cơ sở. Các hộ gia đình nên lắp đặt hệ thống báo cháy sớm, cần phải kết hợp tạo thành tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy ở các nhà. Các hộ cần thống nhất với nhau thiết lập hành lang an toàn để nhà này thoát sang nhà kia trong điều kiện cháy.
Ngoài ra, khi sử dụng các phương tiện như xe máy điện, xe đạp điện, tuyệt đối không được sạc qua đêm. Trường hợp bắt buộc phải sạc qua đêm thì phải để ở vị trí độc lập, cách với các chất cháy khác bởi khi xảy ra sự cố, bình chữa cháy thông thường không thể dập tắt được ngọn lửa từ ắc quy của xe điện, PGS.TS. Ngô Văn Xiêm thông tin.
Theo các bác sĩ, trong các vụ cháy, bên cạnh bỏng do tiếp xúc với lửa, tử vong do hỏa hoạn tại các khu chung cư, nhà cao tầng chủ yếu là do ngạt khí độc, trong đó chủ yếu là khí CO. Vì vậy, ngoài kỹ năng phòng cháy chữa cháy thì trong nhà nên trang bị thêm mặt nạ chống độc để sử dụng khi cần thiết. Đối với nhà thấp tầng có thể trang bị thêm thang dây để thoát hiểm ra ngoài.
Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cần có thể trang bị thêm búa, rìu… để phá cửa, khung sắt trong trường hợp lối ra vào không thể sử dụng. Đồng thời, nên loại bỏ những khung sắt cố định (có người gọi là chuồng cọp), thay vào đó người dân có thể sử dụng lưới an toàn, khung sắt có thể mở khi xảy ra sự cố.
Đặc biệt, Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau nên người dân cần phải tìm hiểu kỹ những chỉ dẫn thoát hiểm mỗi khi bước vào tòa nhà. Đây cũng chính là "sợi dây cứu mạng" cho những ai tìm hiểu, nắm vững kiến thức an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.