Lạm phát lại “cản đường” ECB
Theo đó lạm phát trên toàn khối 20 quốc gia sử dụng chung đồng Euro đã tăng lên 2,9% trong tháng 12 từ mức 2,4% trong tháng 11. Mặc dù dữ liệu dường như xác nhận dự đoán của ECB rằng lạm phát đã chạm đáy vào tháng 11 và hiện sẽ ổn định trong khoảng 2,5% đến 3% cho đến năm 2024, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng, trước khi chậm lại vào năm 2025.
Thế nhưng điều đáng mừng, theo các chuyên gia, sự phục hồi của lạm phát tại khu vực Eurozone chủ yếu là do các yếu tố kỹ thuật, chẳng hạn như việc chấm dứt một số trợ cấp của chính phủ. Bên cạnh đó còn một dấu hiệu tích cực khác, đó là lạm phát cơ bản (đã loại bỏ giá lương thực và năng lượng) đã giảm xuống còn 3,4% trong tháng cuối năm 2023 từ mức 3,6% trong tháng trước đó, cho thấy áp lực giá vẫn đang hạ nhiệt.
Lạm phát lại “cản đường” ECB |
Lạm phát tăng trở lại đúng thời điểm khi mà các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách dường như đang có những nhận định rất khác nhau về xu hướng giá cả và tác động của chúng đối với lãi suất.
Theo đó hiện các nhà đầu tư đang đặt cược rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất 6 lần trong năm nay và động thái đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4, do kinh tế suy thoái và tăng trưởng tiền lương yếu ớt sẽ kéo giảm lạm phát, từ đó cho phép ECB đảo ngược chu kỳ thắt chặt chính sách nhanh nhất trong lịch sử.
Thậm chí các nhà đầu tư cho rằng, dự báo lạm phát của ECB đã bị sai lệch trong nhiều năm, cho thấy ngân hàng này không có hiểu biết đầy đủ về hành vi ấn định giá trong những trường hợp đặc biệt. Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ từ Fed sẽ khiến ECB muốn có hành động tương ứng.
Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách của ECB cho rằng, áp lực giá cả còn lớn và các khoản thanh toán tiền lương quan trọng vẫn chưa hoàn tất cho đến quý đầu tiên của năm nay, vì vậy có thể phải đến giữa năm 2024 mới có niềm tin rằng lạm phát thực sự đã được kiểm soát. Thậm chí một số nhà hoạch định chính sách còn lo ngại lạm phát có thể tăng trở lại khiến cho ECB phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài để kéo giảm lạm phát.
Tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở mức cao kỷ lục 4%. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp ECB giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 7/2022.
Cũng tại cuộc họp này, ECB dự báo, lạm phát tại khu vực Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,4% trong năm 2023, sau đó sẽ giảm về mức 2,7% trong năm 2024, thấp hơn mức dự báo 3,2% trước đó. Năm 2025, lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống mức 2,1% trước khi còn 1,9% vào năm 2026.
Trong thông cáo phát đi sau cuộc họp, cơ quan này cho biết: "Trong tương lai, chúng tôi vẫn sẽ đảm bảo lãi suất tham chiếu được duy trì ở mức độ thắt chặt phù hợp, trong thời gian cần thiết".
Bởi vậy theo các chuyên gia, dữ liệu lạm phát mới nhất càng củng cố thêm niềm tin rằng ECB sẽ không có bất kỳ động thái gì tại cuộc họp chính sách đầu năm 2024 diễn ra ngày 25/1 tới đây.
Trong phát biểu mới đây, ông Robert Holzmann – một thành viên Hội đồng Thống đốc của ECB cho biết, còn quá sớm để nói về việc giảm lãi suất và động thái như vậy vào năm 2024 là điều không chắc chắn. Theo ông, ngay cả khi ECB không tăng thêm lãi suất nữa thì cũng không có gì đảm bảo cho việc giảm lãi suất vào năm 2024. “Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đã cho thấy tác động của nó trong việc làm chậm lạm phát, nhưng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”, ông nói thêm.