Làm rõ việc giải ngân vốn đầu tư công thấp
Lý giải tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian thành phố thực hiện phòng chống dịch bệnh.
TP. HCM cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm |
Trong thời gian qua, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM ước gần 210.000 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỷ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ… Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, những tác động đan xen nhiều mặt như thị trường chứng khoán suy giảm, ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; nguy cơ lạm phát gia tăng do diễn biến tình hình thế giới bất ổn…
“Ngoài tác động của đại dịch Covid -19 khiến tiến độ các dự án bị ảnh hưởng, thì chiến sự Nga - Ukraine cũng khiến xăng dầu nhiều lần tăng giá. Việc này ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng. Doanh nghiệp trúng thầu khi giá còn thấp, nay chi phí tăng đột biến nên có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá được điều chỉnh xuống thấp do càng làm nhanh càng lỗ”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP. HCM cho biết.
Theo ông Hải, đặc thù của các công trình là phải được giao kế hoạch vốn mới có thể làm các bước tiếp theo, thế nhưng đến cuối tháng 2, thậm chí đến tháng 4 vừa qua, thành phố mới có thể giao kế hoạch vốn nên ảnh hưởng việc mời thầu, đấu thầu, ký hợp đồng... Đây là vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua thấp. Tuy nhiên, khi các nút thắt được tháo gỡ, dự kiến 6 tháng cuối năm tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn sẽ tăng nhanh.
Theo các chuyên gia, 5 tháng đầu năm vẫn còn những khó khăn như sản xuất công nghiệp tăng chậm, thị trường bất động sản cũng suy giảm…
Về phía các doanh nghiệp, tình hình tuyển dụng lao động mở rộng sản xuất vẫn khó khăn và áp lực về giá đầu vào đang tác động xấu đến sản xuất; thu hút FDI chững lại. Thu ngân sách trong 5 tháng tăng 19,5%, tuy nhiên thu từ hoạt động sản xuất chỉ tăng 11,7%, vẫn tiềm ẩn các yếu tố chưa bền vững trong sản xuất. Để kinh tế tăng trưởng vững chắc, phải sử dụng tài sản hiệu quả trên cơ sở tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
“Có một thực tế là việc thành lập mới doanh nghiệp tại thành phố trong 5 tháng vừa qua tăng 12,5% về số lượng, nhưng vốn đăng ký lại giảm 18,8% (con số này trong cả nước tương ứng là 12,9% và 2,2%). Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp thành lập mới đang giảm về quy mô”, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, Nguyễn Khắc Hoàng nhận xét.
Phó chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng cho rằng, kinh tế TP.HCM đang trên đà phục hồi tốt, rất đáng khích lệ và điều này đang tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, tốc độ phục hồi kinh tế, xã hội ở thành phố vẫn chậm, nhất là tỷ lệ giải ngân rất thấp. Chính vì vậy, bà Thắng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng đề ra giải pháp mạnh mẽ hơn.
“Trước mắt, các đơn vị cần rà soát tình trạng các chủ đầu tư đã được bố trí vốn nhưng chậm giải ngân để giải quyết nếu có vướng mắc. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát việc phân bổ vốn trong các lĩnh vực trước khi triển khai... Có như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ”, bà Thắng nhấn mạnh.