Làn gió mát từ kịch kinh điển
Nhà viết kịch Chu Thơm, một “lão làng” của sân khấu Việt Nam hiện nay cho biết, dựng các vở kinh điển là chấp nhận đương đầu với nhiều mạo hiểm. Kinh phí đầu tư tốn kém, đòi hỏi trình độ cao và sự kỳ công trong dàn dựng, diễn xuất là điều không phải nhà hát nào cũng làm được. Nhà lý luận, phê bình sân khấu - PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng, dựng các tác phẩm kinh điển, dứt khoát không thể lười biếng “ăn theo” thành công của các nước mà phải mang vào đó hơi thở của sân khấu đương đại cùng bản sắc riêng biệt của từng nhà hát và của cả nền văn hóa dân tộc mà sân khấu đang được thụ hưởng. Thực tế cho thấy, đã có nhà hát phải đau đớn từ bỏ đứa con tinh thần của mình sau đêm tổng duyệt bởi nhiều lý do: kịch bản cho tới đạo diễn, diễn viên chưa đủ tầm, nội dung không phù hợp thị hiếu khán giả, kinh phí đầu tư ít nên chất lượng nghệ thuật thấp...
Sân khấu kịch Idecaf đã “cháy vé” khi công diễn vở kịch kinh điển “Cậu Đồng” gần đây |
Trong khi đó, đạo diễn Trần Lực cho rằng khi dựng vở kinh điển, điều cần nhất là các đạo diễn phải xử lý sao cho kịch bản trở nên gần gũi với người xem. “Vở phải được dựng lại bằng cái nhìn của nghệ sĩ hiện đại, phải dựa trên tinh thần hiện đại. Trong đó, thủ pháp rất quan trọng. Với một vở cũ thì không thể dựng như cũ mà khán giả hiện đại thấy hay được. Dựng kịch William Shakespeare thì phải dựng sao cho đúng tinh thần kịch bản nhưng vẫn mang tính thời đại bây giờ”, đạo diễn Trần Lực chia sẻ.
Mặc dù còn không ít khó khăn và thử thách, tuy nhiên gần đây hiện tượng đông người xem các vở diễn kinh điển ở nước ta cũng như nhiều vở kịch kinh điển được đưa lên sàn diễn đã đem đến những mầm sống cho loại hình nghệ thuật kén người xem này. Có thể các vở kịch kinh điển trong nước như Quẫn, Bệnh sĩ, Bạch đàn liễu, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ chín... Với kịch bản ngoại có Vòng phấn Kavkaz, Hamlet, Romeo và Juliet, Lão hà tiện, Hồng lâu mộng, Quang thanh tra...
Đáng chú ý khi gần đây sân khấu kịch Idecaf (TP.Hồ Chí Minh) đã “cháy vé” khi công diễn vở kịch kinh điển “Cậu Đồng”. Vở kịch này được Việt hóa từ tác phẩm “Tartuffe của Molière” của nhà biên kịch, diễn viên người Pháp. Với sự thành công của vở diễn vào năm 1997, NSƯT Thành Lộc đã nhận được giải Mai Vàng vào năm 1998. Lý do vở kịch “Cậu Đồng” vẫn thu hút khán giả dù có tuổi đời lớn là nhờ mang tính thời sự châm biếm các thói hư tật xấu của con người trong xã hội. Kịch bản này vẫn phù hợp với thời buổi hiện tại. Bên cạnh đó, dù được tái sử dụng nhưng kịch bản vẫn được ê kíp bám sát bản gốc cách đây 23 năm. Bên cạnh diễn viên Thành Lộc đảm nhận vai chính, vở kịch còn có sự góp mặt của dàn diễn viên kịch nói gạo cội như Hữu Châu, Hoàng Trinh, Bạch Long, Hương Giang...
Trong khi đó, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vừa cho biết sẽ biểu diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn, dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang chiến đấu với dịch Covid-19, nhạc kịch “Những người khốn khổ” phiên bản Việt nhằm đề cao tình đoàn kết, niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới. Ê kíp đạo diễn, biên đạo cho vở nhạc kịch kinh điển này có sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới như: NSƯT Trần Ly Ly, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Nguyễn Triều Dương, biên đạo múa Linh An...
Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển, qua đó mong muốn xóa nhòa ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hóa... Âm nhạc của “Những người khốn khổ” được thể hiện trực tiếp với sự trình diễn của dàn nhạc giao hưởng của nhà hát, được thể hiện bằng tiếng Anh để giữ được nguyên vẹn giá trị của tác phẩm kinh điển, đồng thời có phần phụ đề tiếng Việt để khán giả theo dõi nội dung. Hiện tại, lượng người đặt vé mua xem nhạc kịch “Những người khốn khổ” rất nhiều và được dự đoán sẽ “cháy vé” khi đến ngày tác phẩm lên sân khấu.
Nhà viết kịch Chu Thơm đánh giá, thông qua những tác phẩm hút khán giả vừa qua, các đạo diễn và diễn viên Việt Nam đã làm sống lại những vở kịch kinh điển không chỉ bởi nó mẫu mực về kết cấu lớp lang, cốt truyện, phong cách, thủ pháp nghệ thuật mà trên hết chính là ở những giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc mang đậm tính thời sự trong cuộc sống hôm nay. Giới chuyên môn cũng cho rằng, trong khi sân khấu đang thiếu kịch bản hay thì những vở kịch kinh điển của thế giới được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam sẽ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề nghiệp và khán giả cũng có cơ hội được xem những tác phẩm thật sự có chất lượng. Đặc biệt, việc dàn dựng thành công những vở kinh điển sẽ nâng cao trình độ của tập thể sáng tạo và diễn viên, “một công đôi việc”- giống như một cuộc tập huấn, đào tạo chung cho đội ngũ của cả nhà hát trong quá trình “chinh phục” những đỉnh cao nghề nghiệp mới.