Fed có thể tăng lãi suất 1%
Hiện các nhà đầu tư ở Mỹ đang tranh luận về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cần phải thực hiện một đợt tăng lãi suất siêu lớn tới 100 điểm cơ bản (1%) tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 26-27/7 hay không sau khi lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng tốc lên mức cao nhất trong hơn 40 năm trong tháng 6 vừa qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này tăng 1,3% trong tháng 6 so với tháng trước do giá xăng dầu cao kỷ lục; còn so với cùng kỳ năm trước CPI đã tăng 9,1%, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981. CPI lõi (đã loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) cũng tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ. Số liệu được công bố sau đó một ngày cũng cho thấy giá sản xuất tại Mỹ cũng tăng cao hơn dự kiến vào tháng 6 trong bối cảnh chi phí cho năng lượng tăng.
Trong bối cảnh lạm phát ngày càng nóng, giới chuyên gia cho rằng, Fed có thể thảo luận việc tăng lãi suất mạnh hơn so với mức 75 điểm mà họ đã thực hiện vào tháng 6. Phát biểu với báo giới tại St. Petersburg (Florida) ngay sau khi báo cáo lạm phát được công bố hôm 13/7, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết "những vấn đề đó đang được Fed thảo luận" và khi được hỏi liệu Fed có tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm hay không, ông trả lời “điều gì cũng có thể”.
Nếu điều đó xảy ra thì đây sẽ là mức tăng lãi suất lớn nhất của Fed kể từ những năm 1980. Tuy nhiên nhiều quan chức khác của Fed lại không đồng tình với quan điểm này. Như Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, ông chỉ ủng hộ một mức tăng lớn hơn 75 điểm nếu dữ liệu về doanh số bán lẻ hoặc nhà ở cho thấy nhu cầu chậm lại không đủ nhanh để làm giảm lạm phát hoặc nếu kỳ vọng lạm phát trở nên tồi tệ hơn. Theo ông, mức tăng 75 điểm cũng đã là rất lớn cho thấy quyết tâm của Fed trong việc kéo lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Làn sóng ngày càng mạnh
Hiện lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh ở nhiều nền kinh tế khác do nhu cầu phục hồi mạnh sau dịch, trong khi chuỗi cung ứng vẫn bị đứt gãy vì đại dịch Covid-19 lại được cộng hưởng với cuộc chiến ở Ukraine đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Điều đó cũng đang buộc các NHTW khác phải thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn để ứng phó.
NHTW Canada hôm 13/7 đã quyết định tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản từ 1,5% lên 2,5%, mức tăng lớn nhất trong 24 năm và đưa Canada trở thành quốc gia G7 đầu tiên thực hiện một đợt tăng lãi suất mạnh như vậy trong chu kỳ kinh tế này. Chưa dừng lại ở đó, NHTW Canada còn phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu cần thiết.
Chỉ sau đó một ngày, hôm 14/7 NHTW Philippines cũng gây bất ngờ khi tăng lãi suất tới 75 điểm cơ bản tại một cuộc họp bất thường. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg hôm 15/7 Thống đốc NHTW Philippines Felipe Medalla cho biết ông sẽ không loại trừ một đợt tăng lãi suất tương tự nữa vào tháng 8 để kiềm chế lạm phát ở mức cao gần 4 năm.
Hiện giới quan sát đang dõi theo cách mà các NHTW lớn khác của G7 đối phó với tình thế lưỡng nan hiện tại: lạm phát tăng vọt trong khi triển vọng kinh tế xấu đi. Hiện NHTW châu Âu (ECB) cùng với NHTW Nhật (BOJ) đến nay vẫn chưa phản ứng với lạm phát bằng việc tăng lãi suất. Tuy nhiên với ECB, điều đó có vẻ sẽ thay đổi vào tuần tới khi mà các quan chức của ECB đã dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011. Một mức tăng khác dự kiến sẽ vào tháng 9.
Trong khi đó ở Anh, các nhà đầu tư đang định giá khoảng 83% khả năng NHTW Anh sẽ công bố mức tăng nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 4/8. Còn tại Thụy Điển, dữ liệu được công bố hôm 14/7 cho thấy lạm phát hàng năm ở mức cao nhất kể từ năm 1991, khiến các nhà đầu tư đặt cược rằng NHTW nước này sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn kế hoạch, bao gồm cả động thái tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 9.
Hoàng Nguyên
Nguồn: