Làng Dừa
Làng vươn ra đến đâu, cây dừa mọc xanh đến đó. Những buổi nhàn đàm, các bậc bô lão trong làng thường vuốt râu kể lại cho con cháu đời nay rằng: ngày xưa, làng chỉ lác đác dăm bảy nóc nhà tranh lụp xụp của người dân mạn ngược tản cư xuống đây. Rồi dần dần, qua thăng biến thời gian, trai gái lớn lên dựng vợ, gả chồng, sinh con, đẻ cháu nên làng mới càng ngày càng đông vui, nhộn nhịp như bây giờ. Giữa ầm ào lời sóng ru khát vọng, cây dừa mãnh liệt mọc thành từng hàng, từng rặng dài bao bọc xóm làng như vòng tay người mẹ luôn sẵn sàng ôm ấp cho đứa con thơ vượt qua mọi tố dông, bão lốc.
Ảnh minh họa |
Làng nằm ngay trước cửa biển nhưng trong làng chẳng ai theo nghề đánh bắt cá. Bởi lẽ, tổ tiên của người dân làng này có nguồn gốc từ trên mạn ngược, vốn đã quen với lội suối, trèo đèo nên con cháu đời sau cũng đâu có một nghề truyền thống cố định mà tiếp nối như những làng biển khác. Kiếp người tản cư cứ bấp bênh như một con thuyền giữa muôn trùng sóng cuộn. Nhưng chưa khi nào họ nản chí, chùn chân. Với tư duy “vứt đâu cũng sống được” đã hằn sâu vào tâm khảm người mạn ngược, không thạo ngón nghề đi biển thì người dân quê tôi lại nảy ra ý tưởng chuyên trồng cây dừa lấy quả.
Ngày ấy, đời sống của những vùng lân cận vẫn đang còn nghèo, mua một quả dừa về lấy nước uống giải khát là một điều gì đó quá đỗi xa xỉ. Tại những phiên chợ chiều dọc bãi cát, quả dừa chủ yếu được thương lượng để đổi lại những thức mà làng tôi chẳng tự làm ra được như gạo, cá, muối, mắm. Ngoại còn nhớ rõ có khi cả gánh dừa đầy chỉ đổi được một yến gạo. Đấy là chưa kể những năm dừa mất mùa, sai con trẻ trèo hết cây này sang cây khác cũng không bói ra được một quả dừa còn nguyên vẹn. Tự trách mình, trước biển, cây dừa đứng trầm tư mặc tưởng như đang xám hối. Đời người khổ, đời dừa cũng khổ.
Đã có lúc người dân làng tôi định chặt bỏ cây dừa để trồng một loài cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng ngẫm lại, nơi đất phèn cát mặn này, cây dừa mà không sống nổi thì còn có thể trồng được loài cây nào khác? Vả lại, người dân trong làng cũng đâu thể chuyển sang nghề dong thuyền đánh cá. Thôi thì mùa này dừa mất, ta cầu mong trời đất cảm thương cho mùa sau may mắn bội thu. Cây dừa đã gắn bó với người dân từ thuở bám cát lập làng, đã tận hiến bao mùa quả ngọt, đã làm lá chắn cản ngăn bão tố, đã giữ gìn từng tấc đất thân thương. Cây dừa sống có tình thì con người phải sống có nghĩa. Đâu thể nói bỏ là dễ dàng bỏ được.
Làng trồng nhiều dừa, nên bao đời nay, mọi người cứ gọi dân dã bằng cái tên Làng Dừa. Những đứa trẻ sau khi nói rõ những từ ông, bà, cha, mẹ... sẽ được dạy cách phát âm từ dừa, từ biển. Ở đây, đa số những thứ vật dụng linh tinh thường nhật đều được “khai sinh” từ dừa. Lá dừa kết tranh thành mái lợp. Rễ dừa bện chặt làm chổi quét nhà. Gáo dừa khoét nửa làm ca múc nước. Thân dừa làm gỗ nẹp tường. Đói khổ có nhau, dừa cùng người cố vươn lên mà đứng vững trước đất cát cỗi cằn khắc nghiệt. Mặc kệ người ta vẫn thường dẩu môi khinh thường “dân tản cư ăn dừa trừ bữa”, từng ngày, chúng tôi vẫn gắng công và giữ niềm tin rồi một ngày cát sẽ nở hoa.
Rồi những giống dừa mới được người dân trong làng mạnh dạn đầu tư trồng thêm. Tiếng lành dừa Làng Dừa vừa thơm, vừa ngọt bay xa khắp chốn. Quả dừa bán được giá, đời sống người dân quê tôi dần khấm khá và cải thiện hơn.
“Làng Dừa đẹp lắm ai ơi/Cát vàng, biển biếc, bời bời dừa xanh/Tiếng chim vui hót trong lành/Dừa ngon, mứt ngọt để dành khách xa...”. Giờ đi đâu, tôi cũng tự hào giới thiệu: “Tôi là người Làng Dừa”.