Lập tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng - Hoa Kỳ
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành quyết định về việc thành lập tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng - Hoa Kỳ. Tổ công tác do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm tổ trưởng, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình làm tổ phó và các thành viên là đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội…
Theo quyết định, tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu đề xuất các định hướng hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác Hoa Kỳ cho lãnh đạo thành phố trên các lĩnh vực như: công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tài chính quốc tế, thành phố thông minh, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, phát triển bền vững…
Hiện TP. Đà Nẵng có quan hệ hợp tác chính thức với một số thành phố của Hoa Kỳ. Trên địa bàn thành phố cũng đang có 82 dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 831 triệu USD, chiếm 8% số lượng dự án và hơn 19% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương.
Đà Nẵng đã và đang thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ. |
Doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện xếp thứ 3 trên tổng số 45 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào TP. Đà Nẵng, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, bất động sản, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Một số thương hiệu có quy mô lớn của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Đà Nẵng như Coca-Cola, Keytronic, Kimberly-Clark... Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Công ty UAC, một trong những thành viên của AmCham Chi hội Đà Nẵng đang là dự án đầu tư của Hoa Kỳ tiêu biểu tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Hoa Kỳ cũng đang có 4 dự án ODA tại Đà Nẵng liên quan đến môi trường, năng lượng, xã hội, y tế... với tổng số vốn khoảng 46,59 triệu USD.
Trong khi đó, về giáo dục Đại học Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với hơn 30 đối tác có uy tín đến từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, đơn vị này còn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ của Hoa Kỳ như Intel, Boeing, Microsoft, IBM...
Đặc biệt, TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương có điều kiện rất tốt để hợp tác với Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Bởi, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Cơ sở hạ tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 cũng đang được hoàn thiện để các doanh nghiệp, tổ chức có thể đặt trụ sở tại đây; liên minh các trường đại học trên địa bàn cũng bắt tay hợp tác đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch và AI tại địa phương.
Đà Nẵng cũng là địa phương đứng thứ 3 cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) về số lượng kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Mục tiêu của Đà Nẵng đến năm 2030 là kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP. Thành phố cũng đang xây dựng “Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố”, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân vi mạch bán dẫn.
Mới đây, dưới sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) phối hợp Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) đào tạo 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. Từ đó, giúp các giảng viên xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên. Đây là bước tiến cụ thể hóa nội dung các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng và Synopsys về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Cơ sở hạ tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 của Đà Nẵng cũng đang được gấp rút hoàn thiện. |
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, thành phố rất quan tâm mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có năng lực tài chính, công nghệ cao đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác tại thành phố. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh cũng chính là những lĩnh vực mà Đà Nẵng mong muốn thu hút đầu tư như: công nghệ thông tin, sản xuất công nghệ cao, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục, bất động sản, du lịch… Đà Nẵng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ trở thành một động lực quan trọng hiện thực hóa ước mơ và khát vọng phồn vinh của người dân Đà Nẵng
Trước đó, trong chuyến công tác của lãnh đạo TP. Đà Nẵng tại Hoa Kỳ vào tháng 3/2024, đại diện chính quyền thành phố đã làm việc với nhiều tổ chức, công ty, tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ như: Intel, Synopsys, chính quyền bang Oregon, Ampere… để trao đổi, đề xuất về các chương trình đào tạo nhân lực cho Đà Nẵng. Bên cạnh đó, giới thiệu môi trường, cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Đà Nẵng.
Theo bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyến thăm gần đây của đoàn công tác TP. Đà Nẵng tại Hoa Kỳ đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Sau các chuyến thăm này, Đà Nẵng đã được doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm và xem là điểm đến đầu tư tiềm năng. Bà Susan Burns kỳ vọng, ngoài những hợp tác truyền thống thời gian qua, Hoa Kỳ và Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng tái tạo, tài chính, cảng biển... những lĩnh vực mà cả hai bên đều đang có tiềm năng để thúc đẩy sự hợp tác.