Liệu đồng Peso Philippines có duy trì được đà tăng?
Đồng peso của Philippines đã tăng giá 4,6% từ đầu năm |
Tăng giá mạnh
Đồng peso của Philippines hiện đang dẫn đầu trong sự phục hồi của các đồng tiền của các thị trường mới nổi sau cú sốc coronavirus vào tháng 3. Tính chung đồng nội tệ của Philippines đã tăng 2,9% trong quý này và đang giao dịch ở mức 48,41 PHP/USD trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (30/9). Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn mức đỉnh 48,350 PHP/USD vào ngày 16/9, mức mạnh nhất kể từ tháng 11 năm 2016.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cũng cho thấy, đồng peso của Philippines đã tăng 4,6% so với đồng USD kể từ đầu năm, tốt nhất trong số các đồng tiền của các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn này và chỉ xếp sau đồng lev của Bulgaria.
Theo các chiến lược gia tiền tệ, sự tăng giá của đồng peso là do tác động của nhiều yếu tố. Bên ngoài đó là sự kích thích kỷ lục từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và đồng đôla suy yếu đang hỗ trợ cho các đồng tiền mới nổi phục hồi, trong đó có đồng peso.
Sự phục hồi của đồng peso càng được thúc đẩy bởi thặng dư cán cân thanh toán của Philippines ngày càng mở rộng, dự trữ ngoại hối tăng và sự phục hồi bất ngờ của dòng kiều hối. Bên cạnh đó các dữ liệu kinh tế gần đây của Philippines cũng báo hiệu rằng tác động tồi tệ nhất của đại dịch hiện có thể đã qua.
Quả vậy, số liệu thống kê cho thấy, thặng dư cán cân thanh toán của quốc gia đã tăng lên 657 triệu USD vào tháng 8, cao hơn nhiều mức trung bình 171 triệu USD cho tất cả các tháng trong 5 năm qua. Trong khi dự trữ ngoại hối của nước này cũng tăng lên mức kỷ lục 99 tỷ USD, tức tăng thêm 24 tỷ USD kể từ tháng 10/2018.
Đặc biệt, các khoản tiền gửi từ nước ngoài về nước đã tăng lên khi người lao động ở nước ngoài giúp đỡ các gia đình bị mất việc làm trong bối cảnh đại dịch. Lượng kiều hối chuyển tiền mặt qua ngân hàng đã tăng 7,8% trong tháng 7 so với một năm trước đó lên 2,78 tỷ USD; trong khi theo một khảo sát của Bloomberg, con số này dự kiến sẽ giảm 5,4%. Kiều hối là nguồn ngoại hối lớn nhất và chiếm khoảng 10% nền kinh tế Philippines.
Triển vọng khó đoán định
“Bức tranh cán cân thanh toán đối với đồng peso đã trở nên tích cực hơn rất nhiều”, Eddie Cheung - Chiến lược gia thị trường mới nổi tại Credit Agricole ở Hồng Kông cho biết. “Thâm hụt thương mại được thu hẹp đã cải thiện đáng kể tài khoản vãng lai. Kết hợp với khả năng phục hồi của kiều hối, đây là những yếu tố khiến chúng tôi nghĩ rằng đồng peso có khả năng sẽ tiếp tục tăng giá”. Theo dự báo mới nhất của Credit Agricole, đồng tiền này sẽ tăng giá lên mức 48 PHP/USD vào cuối năm nay.
Trong khi chiến lược gia Dushyant Padmanabhan của Nomura cũng cho rằng, động lực chính khiến đồng peso tăng giá trong ngắn hạn là lượng kiều hối tăng vọt. “Sự hồi phục mạnh mẽ của kiều hối chắc chắn là một điều tích cực đối với đồng peso, và cùng với môi trường đồng đôla yếu, nó có cơ hội để tăng giá nhiều hơn”, Padmanabhan nhận định và dự đoán peso sẽ kết thúc năm ở mức 47,5 PHP/USD.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng tỏ ra lạc quan với diễn biến của đồng peso. Theo Credit Suisse Group AG, một trong những rủi ro lớn là sự can thiệp của ngân hàng trung ương nhằm hạn chế sức mạnh của đồng tiền.
Julian Wee - Chiến lược gia đầu tư của ngân hàng này tại Singapore cho biết, các nhà hoạch định chính sách tỏ ra không mấy hứng thú với sức mạnh của đồng peso trong thời gian qua. Bởi vậy ngân hàng này dự báo, đồng peso của Philippines có thể sẽ suy yếu xuống mức 48,8 PHP/USD vào cuối năm. “Sự can thiệp gia tăng sẽ làm hạn chế khả năng tăng giá trong ngắn hạn và rất có thể dẫn đến một số thời điểm giảm giá”, Julian Wee nói.
Nhiều chiến lược gia tiền tệ khác nhìn chung cũng tỏ ra không mấy lạc quan. Dự báo trung bình của các chiến lược gia tiền tệ tham gia cuộc khảo sát mới đây của Bloomberg cho thấy, đồng peso sẽ ít thay đổi ở mức 48,6 PHP/USD vào cuối năm và sau đó sẽ suy yếu xuống mức 49,1 PHP/USD vào giữa năm 2021.
Còn nhớ tại cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra hôm 20/8, NHTW Phillippines đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25%. Trước đó NHTW Philippines đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 4 lần, đưa lãi suất từ mức 4% xuống còn 2,25% như hiện nay. Tuy nhiên trong phát biểu hôm 10/8, Thống đốc NHTW Philippines Benjamin Diokno tuyên bố, không có lý do chính đáng nào để cắt giảm thêm lãi suất chính sách vào thời điểm này và các lãi suất chủ chốt có thể không thay đổi trong thời gian còn lại của năm.